Đến lúc ngành bảo hiểm phải chia sẻ tài nguyên dữ liệu

(ĐTCK) Từ nhiều năm trước, mong mỏi về chia sẻ tài nguyên dữ liệu của toàn thị trường bảo hiểm đã được gợi ra, tiếc là đến nay, vẫn chưa có kết quả gì đáng kể.
Những đòi hỏi về kết nối thông tin đã lớn, nhưng thiếu các hành động cần thiết. Ảnh Shutterstock. Những đòi hỏi về kết nối thông tin đã lớn, nhưng thiếu các hành động cần thiết. Ảnh Shutterstock.

Năm 2019, một trong những điểm nghẽn đã được Bộ Tài chính chỉ ra nhưng chưa cải thiện nhiều, đó là tính kết nối giữa các doanh nghiệp về mặt dữ liệu, sự phối hợp của ngành bảo hiểm với các cơ quan chức năng và địa phương còn yếu.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc “Bộ Tài chính đã có chương trình cụ thể để khắc phục trong các năm tới chưa?”, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, các giải pháp nhằm tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, tăng cường sự phối hợp của giữa các cơ quan quản lý, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm đã được đề ra tại Quyết định số 242/QÐ-TTg về việc phê duyệt Ðề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025".

Quyết định này được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/02/2019.

Cụ thể đó là các giải pháp nhằm tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm để cạnh tranh lành mạnh; hợp tác trong chia sẻ thông tin, giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm.

Thay vì ngồi lo cho cái cần câu cơm để có một, hai con cá cho nhà mình, hãy chia sẻ thông tin để có cơ hội có cả một ao cá

Cùng với đó là việc tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp, đẩy mạnh vai trò của hội nghề nghiệp thông qua việc là đầu mối của toàn thị trường trong việc tổng hợp ý kiến, phản ánh và đề xuất của các thành viên hội nghề nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, cầu nối với các cơ quan có liên quan để thực thi chính sách hiệu quả...

Hậu quả của việc không chia sẻ thông tin trên thị trường thời gian qua đã được nhận diện rõ.

Với riêng ngành phi nhân thọ, ở mảng xe cơ giới, tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt.

Trục lợi bảo hiểm ở mảng này những năm gần đây được nhắc đến nhiều hơn hẳn so với các mảng khác, với số tiền trục lợi ước tính hàng năm chiếm khoảng 15% tổng mức bồi thường.

Những đòi hỏi về việc cung cấp dữ liệu chung về bảo hiểm xe cơ giới (bao gồm cả bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện), lịch sử tổn thất xe, thông tin khách hàng - đại lý có dấu hiệu gian lận… đã được đặt ra nhưng chưa được thực hiện một phần vì chính công ty bảo hiểm chưa thực sự sẵn sàng.

Với mối lo dữ liệu khách hàng bị lộ, công ty bảo hiểm, nhất là công ty bảo hiểm lớn (số lượng khách hàng, doanh thu từ mảng này lớn) thường ngần ngại hơn trong việc chia sẻ thông tin.

Chỉ vì giữ “nồi cơm” riêng nhà mình, công ty bảo hiểm đôi khi chấp nhận cả những tình huống gian lận lộ liễu, chấp nhận tỷ lệ bồi thường và chi phí hoạt động cao chỉ vì thiếu cơ sở dữ liệu chung. Do thiếu thông tin, nhà bảo hiểm sẵn sàng bán với mức phí thấp cho cả những khách hàng thuộc diện “danh sách đen” của nhà bảo hiểm khác.

Trong khi đó, quy định về chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp bảo hiểm với nhau đã phần nào được quy định.

Theo Thông tư số 22/2016/TT-BTC, khi kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới, các doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo định kỳ tình hình thực hiện lên Bộ Tài chính theo biểu mẫu tại Phụ lục 8 và 9.

Tuy nhiên, trên thực tế, có ít doanh nghiệp bảo hiểm gửi thông tin để ghi nhận trong hệ thống.

Danh sách khách hàng đã từng trục lợi chỉ được công ty bảo hiểm trao đổi trong nội bộ với nhau, nhưng chỉ qua email, công văn chứ chưa có một hệ thống thông tin ghi nhận, tra cứu khi cần thiết.

Kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại (của công ty bảo hiểm) cũng là một trong những điểm chưa được khơi thông suốt nhiều năm qua.

Các thành viên thị trường bảo hiểm vẫn phản ánh tình trạng hệ thống y tế Việt Nam không quản lý tập trung, mỗi bệnh viện lưu trữ cơ sở dữ liệu riêng, nên việc thu thập thông tin về sức khỏe, bệnh án mất nhiều thời gian và chi phí, gây trục lợi bảo hiểm (do khách hàng không chủ động khai báo trung thực), ảnh hưởng quyền lợi khách hàng chân chính.

Không còn xa lạ cảnh không ít cơ sở khám chữa bệnh móc ngoặc cùng người bệnh chỉ định dịch vụ khám chữa bệnh bất hợp lý, quá mức cần thiết, sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao, thậm chí người bệnh không nằm viện, nhưng vẫn có hóa đơn nằm viện, điều trị thuốc men với chi phí cao…

Còn đại lý bảo hiểm móc nối cùng khách hàng làm giả các hồ sơ, giấy tờ, tìm các kẽ hở của luật và doanh nghiệp bảo hiểm để gian lận.

Thực tế là vậy, nhìn thấy rõ nhưng do thiếu việc chia sẻ thông tin về gian lận bảo hiểm, nên cả hai bên là bảo hiểm xã hội và các doanh nghiệp bảo hiểm đều không có biện pháp phòng chống, ngăn chặn các hành vi đáng lên án trên.

Dữ liệu khách hàng nếu được chia sẻ, sẽ góp phần hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm (giảm mức đóng góp bảo hiểm, mở rộng quyền lợi bảo hiểm), đồng thời giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát về bảo hiểm.

Về điểm nghẽn này, ông Khánh cho biết, Quyết định số 242/QÐ-TTg đã đề ra giải pháp nhằm tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại: Nghiên cứu, đề xuất phương án chia sẻ thông tin, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm xã hội với bảo hiểm y tế thương mại theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm mà xã hội có nhu cầu cao, đảm bảo hiệu quả, mang lại lợi ích tối ưu cho người tham gia bảo hiểm.

Vẫn biết xây dựng cơ sở dữ liệu là công cuộc đầu tư tốn kém và cần sự sẵn sàng của các bên, nhất là các công ty bảo hiểm. Bởi, nó đòi hỏi một hệ thống công nghệ thông tin đủ lớn, đủ tương thích.

Người đứng đầu Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết một số giải pháp còn lại theo quyết định  trên, đó là thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật;

Xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm; triển khai dự án hệ thống thông tin nhằm hệ thống hóa một cách đồng bộ, toàn diện toàn bộ dữ liệu ngành bảo hiểm, vừa phục vụ công tác quản lý giám sát, vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm thuần, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghệ 4.0.

Cuộc cách mạng 4.0 là dịp để toàn ngành bảo hiểm hoàn tất việc chia sẻ tài nguyên dữ liệu - vấn đề đang cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Thay vì ngồi lo cho cái cần câu cơm để có một, hai con cá cho nhà mình, hãy chia sẻ thông tin để có cơ hội có cả một ao cá”, một chuyên gia nói.

Hương Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục