Xăng dầu giảm chậm hơn thế giới, Petrolimex kêu... ít lãi!

(ĐTCK) Giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới thời gian gần đây giảm sâu cùng đà lao dốc của giá dầu thô.
Theo Petrolimex, 9 tháng đầu năm 2014, Tập đoàn chỉ đạt 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm Theo Petrolimex, 9 tháng đầu năm 2014, Tập đoàn chỉ đạt 41% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh giảm, nhưng qua 10 lần giảm giá từ đầu năm tới nay, với lần giảm gần đây nhất vào ngày 22/11 và mức giảm cao nhất là 1.141 đồng/lít cho mặt hàng xăng, đà giảm vẫn chậm hơn so với đà giảm của giá xăng dầu thế giới.

Theo số liệu của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, tính từ ngày 7/7/2014, thời điểm khởi đầu cho chuỗi giảm giá dầu liên tục đến cuối ngày 19/11/2014, giá dầu thô trên thế giới đã giảm tới 28,52%, kéo theo việc giảm mạnh giá xăng dầu trên thị trường thế giới cũng như tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Trong khi, cùng thời điểm, tổng mức giảm của giá bán lẻ xăng dầu tại thị trường trong nước chỉ vào khoảng 12%.

Theo tính toán dựa trên giá cơ sở vốn là mức giá hình thành bởi giá nhập khẩu, các loại thuế, phí để làm cơ sở đưa ra mức giá bán lẻ của các DN kinh doanh xăng dầu, tính từ thời điểm giảm giá trước đó vào ngày 7/11 cho đến nay, riêng mặt hàng xăng, các doanh nghiệp có mức lãi hơn 759 đồng/lít; các mặt hàng khác như dầu diesel, dầu hỏa cũng lãi tối thiểu 200 – 400 đồng/lít. Cộng với mức lãi định mức cho phép được tính ngay vào giá cơ sở 300 đồng/lít, tính ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang lãi từ 500 - 1.000 đồng/lít xăng dầu các loại.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là mức lãi rất lớn, nếu so với mức lãi định mức cho phép. Điều đáng lưu tâm là mức lãi định mức cho phép lại được xác định đơn thuần dựa trên mức chi phí kinh doanh định mức do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự tính toán báo cáo, chứ không phải thông qua một điều tra khảo sát nào của cơ quan quản lý. Do đó, tính chính xác của chi phí kinh doanh ở đây “có vấn đề”.

“Mức lãi 750 đồng/lít xăng là không hề nhỏ, nếu tính cho những doanh nghiệp nhập khẩu với khối lượng lớn thì có thể thấy mức lãi lớn như thế nào. Trước đây, chỉ với định mức chi phí cho phép 860 đồng/lít, lãi cũng đã cao rồi, huống hồ nay chi phí kinh doanh định mức các doanh nghiệp đưa ra tại báo cáo lên tới 1.100 – 1.500 đồng/lít được các cơ quan chức năng cho phép mà không có điều tra khảo sát thực tế nào. Như vậy là không hợp lý”, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo ông Long, cho dù có giảm giá bán trong nước nhiều lần, nhưng mức giảm không tương ứng với mức giảm của giá xăng dầu thế giới thì người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt. Do đó, vấn đề cần xem xét đối với giá xăng dầu trong nước hiện nay không phải là số lần giảm giá, mà là mức giảm có tương ứng với mức giảm giá xăng dầu trên thế giới, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.

Với tư cách là người trong cuộc, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây cũng thừa nhận, mức giảm giá xăng dầu trong nước chưa tương ứng với mức giảm của thị trường thế giới. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Năm, để đánh giá chính xác mức độ giảm giá xăng dầu trong nước so với giá thế giới, còn cần xem xét đến các yếu tố tác động khác đến cơ cấu giá bán lẻ tại thị trường trong nước như các loại thuế, phí nhập khẩu xăng dầu, việc trích và sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. Bên cạnh đó, một phần còn do có độ trễ khi chuyển giao thực hiện giữa Nghị định 84 sang Nghị định 83 mới có hiệu lực, do đó, tỷ lệ giảm của giá thế giới và giá trong nước không tương đồng.

Cũng theo ông Năm, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Petrolimex chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng trong quý IV, việc có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh xăng dầu là không dễ. Bởi lẽ, để đảm bảo an ninh năng lượng, Tập đoàn phải dự trữ một lượng lớn xăng dầu, nên khi giá dầu thế giới có xu hướng giảm sâu, khó có thể bù lỗ cho lượng xăng dầu tồn kho bằng lợi nhuận định mức.

“Lợi nhuận thực tế từ kinh doanh xăng của Petrolimex hiện chỉ đạt 67 đồng/lít, kg. 9 tháng đầu năm nay, tổng lợi nhuận trước thuế từ kinh doanh xăng dầu của Petrolimex chỉ ở mức 406 tỷ đồng, đạt 41% so với kế hoạch năm là 1.000 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận từ xăng dầu không đạt chỉ tiêu, để hoàn thành kế hoạch, Petrolimex sẽ phải nỗ lực bù đắp từ các hoạt động kinh doanh khác”, ông Năm khẳng định.   

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục