Nghị định 83/2014/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 3/9/2014 và chính thức có hiệu lực vào 1/11/2014 nhằm thay thế cho Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ năm 2009.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá, Nghị định 83 có những điểm mới căn bản, nhằm đưa thị trường xăng dầu phát triển tiệm cận với thị trường xăng dầu thế giới.
Một trong những tiến bộ căn bản, đó là Nghị định quy định, nếu giá cơ sở tăng từ 0 - 3% thì doanh nghiệp tự quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá.
Trường hợp, giá cơ sở tăng từ 3 - 7%, việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Nếu giá cơ sở tăng trên 7% là do Chính phủ quyết định.
Theo ông Ruệ, quy định mới này nhằm hạn chế được sự tăng mạnh của giá bán lẻ xăng dầu. Bởi theo Nghị định 84 hiện đang áp dụng, thì doanh nghiệp được quyền tự quyết tăng giá nếu giá cơ sở tăng đến 7%.
Nếu vẫn giữ nguyên mức 7% này, tính tại thời điểm giá xăng hơn 23.000 đồng/lít như hiện nay, mỗi lần tăng giá doanh nghiệp được quyền tăng tới khoảng 1.500 đồng/lít, sẽ tạo áp lực rất lớn đến nền kinh tế.
Biên độ điều chỉnh giá quy định tại Nghị định 83 đã thay đổi để phù hợp với khả năng kinh tế của người tiêu dùng, khiến các doanh nghiệp xăng dầu tăng giá vô tội vạ như trước đây, bất chấp phản ứng gay gắt từ phía người tiêu dùng.
Điểm mới tiến bộ thứ hai, rất quan trọng với người tiêu dùng, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải là quy định nới rộng thời gian điều chỉnh tăng giá.
Cụ thể, Nghị định 83 quy định, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá và tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Trong khi đó, quy định tại Nghị định 84, cho phép thời gian điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu giữa 2 lần tăng giá chỉ là 10 ngày.
Ông Ruệ cũng nhấn mạnh, Nghị định mới cũng đã tạo môi trường cạnh tranh hơn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Đơn cử, trước đây chỉ có doanh nghiệp đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, thì nay Nghị định 83 cho phép đối tượng mới là doanh nghiệp phân phối xăng dầu cũng được quy định giá bán xăng dầu trong hệ thống của mình, đồng thời doanh nghiệp phân phối xăng dầu được mua hàng từ nhiều đầu mối.
Không phủ nhận Nghị định 83 đã có những điểm mới căn bản, tạo điều kiện tốt hơn cho cả doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng dầu và cả người tiêu dùng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp và cả Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đều cho rằng, nhiều điểm tại Nghị định còn chung chung, chưa rõ, nếu không có thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể, việc đưa vào cuộc sống là rất khó.
Ông Hoàng Mạnh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Việt Nam thừa nhận, Nghị định 83 vẫn còn những băn khoăn liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu.
“Nghị định 83 quy định, doanh nghiệp được kinh doanh dịch vụ cho thuê cảng, kho tiếp nhận xăng dầu và kinh doanh dịch vụ vận tải theo hợp đồng đã ký, nhưng lại khống chế tổng dung tích kho ký tại các hợp đồng cho thuê kho không được vượt quá tổng dung tích thực tế của kho”. Ông Tuấn cho rằng, quy định như vậy là cứng nhắc và chưa linh hoạt. Nên để thời gian thuê kho dài hơn, uyển chuyển với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn ông Lê Công Minh, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Thương mại Công Minh, đại lý kinh doanh xăng dầu tại Bắc Giang phàn nàn, Nghị định thiếu hẳn một phần về chế tài xử phạt. Điều này sẽ khó đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường xăng dầu trong nước.