Đằng sau câu chuyện VPT pha chế xăng ngoại thành xăng nội

Công ty liên doanh TNHH Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (VPT) nhập xăng dầu từ nước ngoài về để pha chế, với kỳ vọng sẽ nhận được chứng nhận xuất xứ Việt Nam. Nhờ đó, sau khi pha chế và được xuất vào nội địa, lô hàng có thể được hưởng ưu đãi về thuế suất.
Để sản phẩm xăng RON 92 của mình có thể bán ở thị trường, VPT còn phải vượt qua nhiều thủ tục Để sản phẩm xăng RON 92 của mình có thể bán ở thị trường, VPT còn phải vượt qua nhiều thủ tục

Mới đây,VPT  cùng với một chủ hàng nước ngoài là Lukoil tiến hành nhập khẩu 3 lô hàng từ Trung quốc và Singapore vào Kho ngoại quan xăng dầu Vân Phong và tiến hành pha chế.

Sau khi hoàn thành việc pha chế, chủ hàng dự kiến xuất lô hàng sản phẩm cuối cùng này ra khỏi Kho ngoại quan. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị nhập khẩu lô hàng vào nội địa.

Theo quy định, khi mở tờ khai để nhập khẩu lô hàng này, Petrolimex phải cung cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) của lô hàng nhập khẩu.

Với xuất phát điểm lô hàng được pha chế tại Kho ngoại quan Vân Phong và xuất ra từ đây, dường như các doanh nghiệp liên quan muốn tìm kiếm xuất xứ Việt Nam cho lô hàng này. Dẫu vậy, thì doanh nghiệp đã không thể xuất trình được chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho lô hàng xăng dầu đã được pha chế như mong muốn.

Chưa có quy định cụ thể để cấp C/O

Ông Đào Minh Châu, Tổng giám đốc VPT cho hay, Thông tư 88/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính chưa hướng dẫn việc cấp C/O cho lô hàng sau pha chế. Mặt khác, Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có thông báo, lô hàng được pha chế này không thuộc bất kỳ trường hợp nào trong quy định về việc cấp chứng nhận xuất xứ Việt Nam.

Lý do được Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại đưa ra là “hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam do không đạt tỷ lệ nội địa hóa”. Do đó, xăng dầu pha chế trong kho nêu trên không được xem là hàng hóa được đóng gói bao bì để được cấp C/O giáp lưng (C/O back to back).

Với những vướng mắc này, lô hàng xăng dầu sau pha chế nói trên dường như đang tắc ở khâu thông quan để đưa vào thị trường nội địa.

Tìm hiểu cụ thể về vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại và được biết, các lô hàng trên có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài (Trung Quốc và Singapore). Sau khi nhập khẩu vào kho ngoại quan, lô hàng được pha chế để sau đó bán vào thị trường nội địa. “Tất cả các hoạt động pha trộn thuần tuý, từ nguyên liệu nhập khẩu và thực hiện gia công đơn giản thì không được cấp C/O Việt Nam”, bà Hương nhận xét và cho biết, quy định về cấp C/O đã được ghi rõ tại Nghị định 19/2006/NĐ-CP và hiện chưa có bất cứ văn bản nào khác thay thế.

Trên thực tế, 3 lô hàng được nhập khẩu ban đầu vào Kho ngoại quan Vân Phong thì lô hàng Gasoline 92 Ron có chỉ tiêu RON trước khi pha chế là 95,7, xuất xứ từ Singapore với trọng lượng là 15.935,358 tấn. Hai lô hàng còn lại đều là Gasoline 88 Ron có chỉ tiêu RON trước khi pha chế lần lượt là 89,4 và 89,3, cùng có xuất xứ từ Trung Quốc với trọng lượng là 13.205,462 tấn và 5.333,241 tấn.

Sau khi pha chế tại Kho ngoại quan Vân Phong, lô hàng thành phẩm có tên mới là Gasoline 92 RON với trọng lượng 34.474,061 tấn, đúng bằng tổng trọng lượng của 3 lô hàng được dùng để pha chế.

Còn nhiều vấn đề liên quan phải làm rõ

“Không hiểu vì sao doanh nghiệp một mực cần C/O Việt Nam” là điều mà Trung tâm Chứng nhận xuất xứ băn khoăn trước việc đeo đuổi của VPT. “Nếu trong quá trình pha trộn giữa chất này với chất kia và có phản ứng hóa học để tạo ra sản phẩm mới, thì mới có sự biến đổi về bản chất. Còn ở đây đơn thuần chỉ là pha chế đơn giản”, bà Hương băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hóa dầu nhận xét, 3 lô hàng nhập khẩu để pha chế này về nguyên tắc đã là xăng thành phẩm ở nước ngoài. Việc pha chế ra xăng RON 92 nói trên không thay đổi thành phần hóa học của sản phẩm, cũng như không làm thay đổi tính chất sẵn có của hai loại xăng đầu vào dùng để pha chế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để hiểu mục tiêu có được C/O Việt Nam như đề nghị của VPT, thì cần phải nghiên cứu kỹ hơn các quy định về thương mại và thuế liên quan đến kinh doanh xăng dầu, một hoạt động vốn được xem là khá đặc thù và không phải doanh nghiệp nào cũng được cấp phép hoạt động.

Một chuyên gia nhận xét, các lô xăng thành phẩm có chỉ số RON không phải là 92 nếu được coi là nguyên liệu để pha chế ra xăng RON 92 tại Việt Nam có phải chịu mức thuế nhập khẩu đầu vào khác với xăng thành phẩm không? Ngoài ra, nếu được công nhận đây là hoạt động sản xuất (chứ không phải là pha chế đơn giản) tại Việt Nam, thì có thể doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

“Chưa kể trên thực tế, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được hưởng mức phụ thu (tương đương 7% thuế nhập khẩu xăng dầu) để lại cho doanh nghiệp do sản xuất xăng dầu ngay tại Việt Nam, thì liệu có  chuyện cấp C/O Việt Nam (nghĩa là sản xuất tại Việt Nam) sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi tương đương không? Đây là các vấn đề cần phải làm rõ để có thể tránh được thất thu thuế cho Nhà nước và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng”, vị chuyên gia này nói.

Liên quan tới câu chuyện xin cấp C/O Việt Nam này, Báo Đầu tư cũng đã gửi các câu hỏi tới VPT và đang chờ hồi âm.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục