Đây là nội dung chính trong công văn số 10953/VPCP – CN vừa được Văn phòng Chính phủ gửi UBND TP.HCM và các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, GTVT, Tư pháp, Xây dựng truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng liên quan đến Hợp đồng BOT Dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2).
Cụ thể, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, kiến nghị của UBND TP.HCM liên quan đến Hợp đồng BOT cầu Bình Triệu 2 (giai đoạn 2) không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
UBND TP.HCM tiếp thu ý kiến các bộ tại các văn bản nêu trên, quyết định việc chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT dự án đã ký với nhà đầu tư và chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án theo thẩm quyền và theo đúng quy định pháp luật.
Vào tháng 10/2020, UBND TP.HCM đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chấm dứt trước thời hạn Hợp đồng BOT dự án đã ký với nhà đầu tư và giao UBND TP.HCM cân đối nguồn vốn ngân sách Thành phố để tiếp tục đầu tư dự án theo quy định.
Lý giải việc không muốn tiếp tục triển khai Dự án theo hình thức BOT, UBND TP.HCM cho biết, việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ công trình này sẽ không đúng theo quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu). Bên cạnh đó, vị trí trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hiện hữu cũng không đảm bảo công bằng cho người tham gia giao thông, nên rất khó nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương.
Trong Công văn số 11685/BGTVT-ĐTCT gửi Văn phòng Chính phủ vào tháng 11/2020 góp ý về đề xuất của UBND TP.HCM đối với Hợp đồng BOT Dự án cầu đường Bình Triệu 2 (giai đoạn 2), Bộ GTVT cho biết, UBND TP.HCM là cơ quan quyết định đầu tư và cũng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết, thực hiện Hợp đồng BOT Dự án cầu Bình Triệu 2 (giai đoạn II). Do vậy, về nguyên tắc, việc chấm dứt trước thời hạn hợp đồng này thuộc thẩm quyền của UBND Tp.HCM.
Được biết, Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 được triển khai từ năm 2000, khởi công tháng 2/2001, thời gian hoàn thành trong 30 tháng. Năm 2003, Dự án hoàn thành khoảng 34% tổng giá trị xây lắp và tháng 7/2003, chủ đầu tư giai đoạn này là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) báo cáo, không thu xếp được nguồn vốn để tiếp tục thực hiện Dự án và kiến nghị cho thu phí một chiều qua cầu Bình Triệu 2.
Năm 2004, UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chấm dứt Hợp đồng BOT với Cienco 5, điều chỉnh Dự án và thu hồi quyền thu phí từ Cienco 5, chuyển giao cho Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Công ty CII) thực hiện dưới hình thức thu hộ cho ngân sách Thành phố.
Sau khi phê duyệt điều chỉnh Dự án BOT cầu Bình Triệu 2 (giai đoạn II), UBND Tp.HCM giao Công ty CII làm chủ đầu tư thực hiện các tiểu dự án xây dựng theo hình thức hợp đồng BOT. Đổi lại, Công ty CII được thu phí tại các trạm thu phí cầu Bình Triệu 2 (từ ngày 1/7/2009) và cầu Bình Triệu 1 (từ ngày 1/8/2013) để hoàn vốn đầu tư Dự án.
Ngày 15/7/2015, UBND Tp.HCM cho tạm dừng thu phí và tháng 3/2017 phê duyệt điều chỉnh Dự án, ký Hợp đồng BOT số 856/HĐ-UBND ngày 17/3/2018 với Công ty CII (thay thế Hợp đồng số 1/2009/HĐ-B.O.T, ngày 31/3/2009) để tiếp tục thực hiện Dự án.
Đến nay, Công ty CII đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng 1 đơn nguyên cầu Ông Dầu, thiết kế - tổng dự toán công trình Dự án BOT cầu Bình Triệu 2 (giai đoạn II - phần 2) và thu xếp nguồn vốn để thực hiện Dự án (ứng bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án).
Theo Hợp đồng BOT đã ký, khi xảy ra điều kiện bất khả kháng làm cho công tác tổ chức thu phí để hoàn vốn cho dự án không thể thực hiện được, Bên A (UBND Tp.HCM) phải hoàn trả cho Bên B (Công ty CII) các khoản chi phí đầu tư (dự kiến khoảng 59,5 tỷ đồng) và lợi nhuận.