Ấn định quy mô tối thiểu dự án PPP là 200 tỷ đồng
Dự thảo lần thứ nhất, Luật PPP vừa được Ban Soạn thảo hoàn tất, với 12 chương và 113 điều. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là hạn mức tối thiểu đối với dự án thực hiện theo hình thức PPP là 200 tỷ đồng.
Chia sẻ đề xuất này, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu(Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban Soạn thảo Luật PPP cho biết, do hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ, nên quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm “lựa chọn được những dự án xứng đáng” để đầu tư theo phương thức này, tránh đầu tư dàn trải, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả đầu tư không cao.
“Chi phí chuẩn bị đầu tư để đưa một dự án PPP ra thị trường cũng khá cao, do đó, nếu thực hiện hình thức PPP cho dự án quy mô nhỏ sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, dự án quy mô đủ lớn mới có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đăng Trương giải thích.
Tuy nhiên, như thế nào là đủ lớn cũng không phải là câu hỏi dễ trả lời. Ban đầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 2 phương án, một là áp dụng quy mô dự án tối thiểu, hai là giữ nguyên quy định hiện hành tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP (không quy định quy mô dự án tối thiểu để được áp dụng PPP). Trong phương án áp dụng quy mô dự án tối thiểu lại đề xuất 2 phương án: chỉ đầu tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng trở lên - mức thấp nhất của dự án nhóm A theo Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi; hoặc chỉ đầu tư PPP đối với các dự án có tổng mức đẩu tư từ 200 tỷ đồng trở lên - mức thấp nhất của dự án nhóm B.
Hiện cả nước có 336 dự án PPP đã được thực hiện. Trong số này, chủ yếu là lĩnh vực giao thông (220 dự án), năng lượng (18 dự án), cấp nước, xử lý nước thải, chất thải (18 dự án) và các dự án hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, các dự án hạ tầng kỹ thuật (nhà ở tái định cư, hạ tầng ký túc xá, trụ sở…) chủ yếu áp dụng hợp đồng BT.
Trong 2 phương án trên, phương án 1.200 tỷ đồng có vẻ được nhắc tới nhiều hơn. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến của các bộ, ngành, kết quả mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được là có tới 8/14 bộ, ngành ủng hộ phương án hạn mức tối thiểu để một dự án được thực hiện theo hình thức PPP là 200 tỷ đồng.
Thêm nữa, qua thống kê, đa số dự án PPP đã thực hiện đều có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án, chiếm 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, thì số dự án trên 200 tỷ đồng là 113/148 dự án, chiếm 76,35%). Do đó, ông Trương cho biết, Ban Soạn thảo đã đề xuất áp dụng hạn mức tối thiểu đối với dự án PPP là 200 tỷ đồng.
200 tỷ đồng có đủ lớn?
Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án chỉ dự án 1.200 tỷ đồng mới được đầu tư theo hình thức PPP, đã có không ít ý kiến phản đối và cho rằng, quy định như vậy sẽ “làm mất cơ hội của địa phương và doanh nghiệp”. Đa phần các bộ, ngành cũng ủng hộ phương án chỉ cần đưa hạn mức tối thiểu 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Ban Soạn thảo Luật PPP mới đây, vẫn không ít ý kiến cho rằng, chỉ nên lựa chọn các dự án PPP “đủ lớn”.
Trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, phương án 1.200 tỷ đồng mới là phù hợp. Theo ông Nguyễn Huy (Vụ Đối tác công tư, Bộ Giao thông - Vận tải), dự án PPP thì phải lớn mới đảm bảo hiệu quả.
“Các dự án quy mô nhỏ thì Nhà nước có thể cân đối nguồn vốn để đầu tư, không nhất thiết phải kêu gọi tư nhân cùng làm. Với dự án PPP, hạn mức tối thiểu phải là 1.200 tỷ đồng”, ông Huy nói.
Có cùng quan điểm, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, hạn mức tối thiểu 200 tỷ đồng là quá nhỏ. “Dự án quá nhỏ thì Nhà nước nên thu xếp vốn để thực hiện, không cần thiết phải kêu gọi nhà đầu tư tư nhân thực hiện”, vị này nói.
Trên thực tế, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án PPP ở Việt Nam trong thời gian vừa qua được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông - vận tải, năng lượng và các dự án này đều có tổng vốn đầu tư lớn, chủ yếu thuộc nhóm A theo phân loại của Luật Đầu tư công 2014. Các dự án có quy mô nhóm B trở xuống hầu hết được áp dụng loại hợp đồng BT.
Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện nay, một số nước cũng đặt ra quy mô tối thiểu của dự án thực hiện PPP ở mức khá cao. Chẳng hạn, Canada là 100 triệu USD, Australia, Singapore là 50 triệu USD, Anh 25 triệu USD… Trong khi đó, một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… không quy định hạn mức làm PPP. Dù không quy định hạn mức, song thực tế triển khai dự án PPP tại các nước cũng thường chỉ tập trung đối với các dự án có quy mô đủ lớn.