Xa lộ mới cho hàng Việt Nam xuất sang EU

Tối ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Hai hiệp định này sẽ là “xa lộ” mới cho các doanh nghiệp Việt Nam đến với thị trường châu Âu.
EVFTA sẽ giúp hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất sang EU. EVFTA sẽ giúp hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất sang EU.

Cơ hội nâng cao năng lực cho doanh nghiệp

Thủy sản, dệt may, da giày được xem là những ngành sẽ thụ hưởng nhiều cơ hội nhất của Việt Nam khi EVFTA được thông qua. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP.HCM chia sẻ, EVFTA thật sự là cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành dệt may, thêu đan nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất vào các nước thuộc EU

Được biết, theo EVFTA, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm. Còn ngành da giày, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%. 

Tuy nhiên, để tận dụng được ưu đãi, các doanh nghiệp phải đáp ứng được quy định về xuất xứ nguyên liệu. Điều này là áp lực để doanh nghiệp chủ động đầu tư, phát triển nguồn nguyên liệu nội địa.

Một mắt xích khác trong xuất khẩu là kho vận (logistics). Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi nhận thông tin, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, hầu hết các FTA đều có những cơ hội và thách thức đi kèm, song nhìn chung, EVFTA sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn là thách thức.

Với EVFTA, triển vọng phát triển ngành logistics được thể hiện ở 2 góc độ.

Thứ nhất là từ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và phục vụ vận tải. Thứ hai là cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics. Theo đó, rào cản thuế quan được loại bỏ hoặc giảm đáng kể sẽ khiến lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu gia tăng. Từ đó làm tăng nguồn cầu lớn đối với hoạt động logistics, là cơ hội gia tăng quy mô thị trường ngành logistics Việt Nam. Tiếp theo là cơ hội thu hút đầu tư từ châu Âu, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác EU.

Ở góc độ doanh nghiệp gia công, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Công ty Duy Khanh, chuyên sản xuất linh phụ kiện trong lĩnh vực cơ khí cung cấp cho doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, trong thực tế, sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam được xuất sang thị trường châu Âu không nhiều. Mấy năm nay, một số doanh nghiệp tại TP.HCM có kế hoạch tìm đối tác, mở rộng sang thị trường châu Âu, song kết quả thu được chưa bao nhiêu.

Bởi thế, theo ông Tống, EVFTA và EVIPA sẽ tạo ra tác động tích cực, mang lại hiệu ứng cộng hưởng cho doanh nghiệp cơ khí. Chẳng hạn, các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư được tổ chức liên tục, nhiều cấp độ sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều cơ hội để kết nối, tìm kiếm đối tác. Nhiều tập đoàn lớn của châu Âu sẽ đến đầu tư nhà máy, mở rộng hoạt động thương mại tại Việt Nam, đó là cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Khơi thông dòng vốn châu Âu về Việt Nam

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, EVFTA là hiệp định thương mại tự do toàn diện và tham vọng nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển. Sau khi được phê chuẩn và thực hiện, sẽ mang đến một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới từ châu Âu và biến Việt Nam thành một trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp EU trong khu vực.

“Việt Nam là một thị trường phát triển nhanh chóng với gần 100 triệu dân. Cải cách của Chính phủ đã khiến Việt Nam trở thành một địa chỉ hấp dẫn để kinh doanh. EVFTA, cùng với các hiệp định thương mại tự do khác như CPTPP, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường có tiềm năng lớn cho các nhà đầu tư quốc tế hiện tại và trong tương lai”, ông Nicolas Audier nhận định.

Đồng quan điểm, ông Erick Contreras, Tổng giám đốc BASF Việt Nam cho biết, EVFTA và EVIPA được phê chuẩn đã cho thấy, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và đang trở thành điểm đến thú vị của nhà đầu tư châu Âu trong danh mục các quốc gia đang phát triển.

“EVIPA và EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư châu Âu an tâm và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. BASF sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hướng tới thị trường xuất khẩu nhằm giúp họ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn và các yêu cầu kỹ thuật của thị trường EU”, ông Erick Contreras nói.

Ở lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), ông Laurent Levan, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH URC Việt Nam cho biết, EVFTA sẽ mở ra cơ hội hợp tác cho ngành FMCG ngoài khu vực ASEAN trong bối cảnh Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Các FTA sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý kinh doanh, cải thiện chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất, cũng như các kênh phân phối.

Các chuyên gia cho rằng, với EVFTA và EVIPA, thương mại và đầu tư song phương sẽ tăng lên nhanh chóng, bởi các công ty Việt Nam được tiếp cận đặc quyền vào thị trường hơn 500 triệu dân, trong khi người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn về các sản phẩm chất lượng cao của các nước châu Âu sản xuất.

Nhóm phóng viên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục