Ký EVFTA, xe chuẩn châu Âu về Việt Nam có giá bao nhiêu?

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết mở ra cơ hội cho hàng Việt Nam vào EU. Song với một bộ phận người dân thì mặt hàng họ quan tâm là liệu giá ô tô nhập khẩu từ châu Âu sẽ ra sao khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ. 
Sau 9 đến 10 năm nữa, người Việt sẽ được mua xe giá rẻ từ EU. Sau 9 đến 10 năm nữa, người Việt sẽ được mua xe giá rẻ từ EU.

Theo danh mục ưu đãi thuế quan và phụ lục thuế quan EVFTA, Việt Nam sẽ thực hiện dỡ bỏ thuế quan đối với ô tô con và linh kiện sau 9 đến 10 năm kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Hiện tại, hai bên Việt Nam và EU mới chỉ ký kết, còn chờ Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu thông qua, dự kiến trong năm nay hoặc năm sau.

Với mức thuế giảm, kỳ vọng giá xe ô tô EU nhập về Việt Nam sẽ giảm sâu. Theo biểu thuế đối với ô tô con mà Việt Nam đánh vào các dòng xe EU, mức thuế (MFN - tối huệ quốc của các nước thành viên WTO) xe dưới 3.000cc (khoảng dưới 3.0L) là 78%.

Lộ trình sau 10 năm, kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực, thuế đối với dòng xe dưới 3.0L của EU về Việt Nam mới được xuống 0%.

Với dòng xe con có dung tích xy lanh trên 3.000cc (trên 3.0L), hiện mức thuế nhập khẩu xe về Việt Nam là 74%, sau 9 năm nữa kể từ khi EVFTA chính tức có hiệu lực, mức thuế này sẽ được bãi bỏ về 0%.

Như vậy, có thể phải chờ đến năm 2028 hoặc 2030, người Việt mới thực sự được mua xe châu Âu với thuế 0%.

Về điều kiện để ô tô EU được hưởng ưu đãi thuế 0%, theo quy định của EVFTA, xe EU phải có tỷ lệ nội địa hóa 55%. Tại Chương 4, về quy tắc xuất xứ của tất cả nhóm hàng và phụ lục 4a cho nhóm hàng: Ô tô và linh kiện ô tô được ưu đãi khi giá trị nguyên vật liệu không có xuất xứ, không vượt quá 45% giá xuất xưởng của sản phẩm.

Trên thực tế, hầu hết các quốc gia sản xuất ô tô tại EU đều có tỷ lệ nội địa hóa rất cao và đều là những nước sản xuất được xe mang thương hiệu riêng cho quốc gia.

Năm 2018, theo báo cáo của OICA - (Tổ chức quốc tế của các nhà sản xuất xe cơ giới thế giới), các nước thành viên EU đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xe, trong đó Đức sản xuất được hơn 5 triệu chiếc, Tây Ban Nha 2,8 triệu chiếc, Pháp 2,2 triệu chiếc, Thổ Nhỹ Kỳ hơn 1,5 triệu chiếc, Cộng Hòa Czech là 1,3 triệu chiếc, Ý là 1 triệu chiếc...

Chỉ với 6 nước có nền sản xuất ô tô hàng đầu EU, sản lượng ô tô "Made in EU" đã đạt con số 13,8 triệu chiếc, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (27,8 triệu chiếc), đứng trên Mỹ 11,3 triệu chiếc.

Trên thực tế, với tỷ lệ đánh thuế cao, hầu hết các dòng xe nhập nguyên chiếc vào Việt Nam có mức giá tăng gấp từ 2 đến 3 lần so với mức giá khởi điểm tại các quốc gia khởi phát.

Đơn cử, tại Đức, một chiếc BMW, có dung tích xylanh dưới 3.0L, có giá xuất xưởng giả định khoảng 1,5 tỷ đồng. Khi về Việt Nam sẽ bị đánh thuế nhập khoảng 1,17 tỷ đồng. Giá sau thuế nhập khẩu sẽ là 2,67 tỷ đồng. Khi hoàn tất thủ tục nhập cảng, xe sẽ bị đánh thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) mức 60% giá tính thuế (1,6 tỷ đồng), giá sau thuế sẽ vào khoảng 4,2 tỷ đồng.

Cộng với mức phí trước bạ 10%, thêm chi phí đăng kiểm biển số 20 triệu đồng/xe... Mức giá bán chiếc xe từ Đức về Việt Nam vào khoảng 4,7 tỷ đến gần 4,8 tỷ đồng. Đây là trong điều kiện giá xe được xác định thời điểm xuất xưởng là 1,5 tỷ đồng/chiếc. Tuy nhiên, hiện hầu hết các dòng xe sản xuất ra trên thế giới, các hãng đều không công bố chi phí sản xuất, giá xuất xưởng bởi mỗi thị trường có giá xe hoặc có mức thuế xe khác nhau.

Chính vì vậy, các mẫu xe nhập từ EU đến tay người dùng Việt có giá từ 1,5 tỷ đồng đến ngưỡng dưới 3 tỷ đồng, thực chất tại EU chỉ có mức giá vài trăm triệu đồng. Thuế nhập khẩu, thuế TTĐB hiện đang gấp 2 lần giá trị của chiếc xe ra lò tại các nước EU.

Nếu như chờ 9 đến 10 năm nữa, người Việt mua xe 0% thuế của EU cũng chỉ được bỏ thuế nhập khẩu, vẫn phải đóng thuế TTĐB, các dòng xe của EU thường có dung tích xylanh cao do tiêu chuẩn mặc định.

Trong khi đó, các dòng xe hybrid, xe điện, xe tự lái nhập về Việt Nam dù có chính sách ưu đãi chung, song chưa cụ thể, còn nhiều vướng mắc và đặc biệt mức giá vẫn rất đắt đỏ.

Nếu đợi 9 năm sau khi thuế nhập xe từ EU về 0%, với chiếc xe có giá giả định 1,5 tỷ đồng tại Đức, sẽ chỉ phải đóng thuế TTĐB, 900 triệu đồng, phí trước bạ 10%, giá xe đến tay người tiêu dùng vào khoảng 2,6 tỷ đồng, rẻ hơn một nửa so với mức giá hiện nay.

Với các dòng xe có mức giá xuất xưởng giả sử rẻ nhất là 600 triệu đồng, khi đến tay người tiêu dùng Việt, mức giá rẻ nhất có thể dao động từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng. Mức giá này, ở vào thời điểm 10 năm nữa, bài toán cạnh tranh đặt ra đối với các hãng xe nhập EU nếu trường hợp các hãng xe liên doanh, xe tư nhân Việt Nam biết cách tận dụng thời kỳ "quá độ" để phát triển.


Theo dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục