Xã hội hóa truyền tải điện: Lợi ích của ai?

0:00 / 0:00
0:00

Việc bổ sung cấp tập các dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện khiến lưới điện không theo kịp nhu cầu truyền tải, làm dấy lên mong muốn xã hội hóa khâu này.

Xã hội hóa truyền tải điện: Lợi ích của ai?

Tư nhân “linh hoạt hơn”

Khi nhắc tới việc Tập đoàn Trung Nam chỉ mất “hơn 4 tháng” đầu tư xong đường dây và trạm biến áp 500 kV tại Ninh Thuận để cổ xúy cho vấn đề xã hội hoá đường truyền tải quốc gia, nhiều người dường như chỉ nhìn thấy toàn ưu điểm.

Dự án điện mặt trời 450 MW của Trung Nam vốn không nằm trong quy hoạch điện tại thời điểm trước ngày 23/11/2019 để được hưởng mức giá mua điện mặt trời 9,35 Uscent/kWh. Để được hưởng mức giá này, Trung Nam đã “hào phóng” đầu tư 15,5 km đường dây 500 kV mạch kép và trạm biến áp 500 kV Thuận Nam Trung Nam (trong khi chỉ cần cấp điện áp 220 kV là đủ để truyền tải) và mong muốn được bàn giao 0 đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Báo Đầu tư từng có bài viết về thực tế Tập đoàn Trung Nam không cần chờ tới khi các cơ quan chức năng duyệt xong thiết kế kỹ thuật mới tiến hành thi công như quy trình các doanh nghiệp nhà nước khác đang phải chịu, hay “mạnh tay” đặt mua sớm các máy biến áp giá trị hàng trăm tỷ đồng từ khi tỉnh Ninh Thuận chưa mở thầu, công bố đơn vị trúng thầu phát triển dự án này.

Ở khâu mặt bằng sạch, ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công thương Ninh Thuận cũng thừa nhận, trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng, đơn giá đền bù do Nhà nước quy định lạc hậu so với thực tế, khiến các đơn vị thi công khó khăn vì dân không chấp thuận. Nếu ở doanh nghiệp tư nhân sẵn có nguồn lực, sẽ linh động làm được, thì doanh nghiệp nhà nước không làm được.

Bởi vậy, ngay tại Ninh Thuận, trong khi Trung Nam có thể nhanh chóng có mặt bằng sạch, thì các dự án truyền tải khác của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) phục vụ các dự án điện mặt trời khác lại bị khó khăn, chậm trễ hơn, bên cạnh các thủ tục chuẩn bị đầu tư khác.

Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, đường dây 500 kV (dài 15,5 km) của Trung Nam chỉ làm đến Vĩnh Tân để đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Nghĩa là chỉ đầu tư một đoạn ngắn như nhiều dự án điện độc lập đã làm bấy lâu khi thấy có lợi về tổng thể, chứ không mang tính chất đưa điện từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ điện ở cách đó hàng trăm km.

Vì thế, cần phải có chính sách để EVNNPT thực hiện nhiệm vụ truyền tải đến nơi tiêu thụ, chứ không phải nhà đầu tư tư nhân đưa lên lưới quốc gia để hưởng giá cao ban đầu và được tung hô, còn chi phí sản xuất điện tăng cao do truyền tải xa lại tính vào giá thành sản xuất và người dân phải gánh.

Làm nguồn lãi hơn làm lưới

Ngoài đường dây và trạm biến áp 500 kV của Trung Nam, tại Ninh Thuận, còn có trạm cắt 110 kV của Dự án điện mặt trời Bắc Phương do tư nhân thực hiện, cũng muốn được bàn giao cho EVNNPT quản lý mà không tính chi phí.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, thành viên HĐTV của EVNNPT cho hay, giá truyền tải điện năm 2020 của EVNNPT là 84,9 đồng/kWh. Trong số này, có tới 65-75% là chi phí khấu hao, chi phí vận hành chiếm 6 -7%, còn lại là chi phí khác. Nếu phân tích hiệu quả để quyết định đầu tư thì chi phí vận hành thường chiếm 10%. Như vậy, khi chủ đầu tư bàn giao 0 đồng, EVNNPT vẫn phải bỏ ra chi phí vận hành, bảo dưỡng và không biết tính vào đâu, còn nhà đầu tư tư nhân rảnh tay mà lại được hưởng giá mua điện cao ban đầu.

Bởi vậy, nếu phải bàn giao, cần được Chính phủ xem xét, chỉ đạo vì liên quan đến các vướng mắc theo luật hiện hành và phải có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý có liên quan. Song EVNNPT cũng kiến nghị, có thể ký hợp đồng quản lý vận hành thuê cho các chủ đầu tư sau khi hoàn thành đầu tư các công trình điện.

Nói về bất cập giữa nguồn nhiều mà lưới ít, PGS-TS. Bùi Huy Phùng từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, 2 năm qua, việc bổ sung quy hoạch điện tại nhiều nơi đã tạo ra công suất năng lượng tái tạo quá lớn, đè nặng nên hệ thống truyền tải.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đầu tư xây dựng lưới điện và nguồn không cân xứng, tối thiểu đầu tư cho lưới điện phải chiếm 40% tổng đầu tư cho nguồn điện, nhưng trong các quy hoạch điện, lưới điện chỉ chiếm xấp xỉ 32-35%. Chưa kể chuyện bổ sung cấp tập các nguồn năng lượng tái tạo tại một vài khu vực tập trung thời gian qua góp phần gây ách tắc truyền tải điện.

“Chung quy cũng tại làm nguồn lãi hơn làm lưới”, ông Phùng nói.

Thanh Hương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục