Việc phải chờ có Báo cáo Nghiên cứu khả thi được phê duyệt mới chuyển sang công đoạn thi công trên thực địa, trong khi có công trình của tư nhân triển khai song song đã khiến nhiều công trình truyền tải điện của doanh nghiệp nhà nước không thể đẩy nhanh tiến độ như đã định.
Thẩm định chưa xong, không dám thi công
Đầu tháng 7/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị bộ này cùng Cục Điện lực và Năng lượng (Bộ Công thương) đẩy nhanh tiến độ thẩm định phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công với hàng loạt dự án mà ngành điện đã trình thời gian qua.
Theo thống kê của EVN, có những dự án, thời gian thẩm định, phê duyệt kéo dài 6 - 13 tháng mà vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng liên quan đến thẩm định thiết kế cơ sở hoặc thiết kế kỹ thuật.
Giải thích vấn đề này, một chuyên gia về đầu tư xây dựng cơ bản cho hay, Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 có quy định rõ về trình tự đầu tư xây dựng của dự án liên quan đến lập và thẩm định thiết kế sơ bộ, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công. Khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đầu tư các công trình truyền tải, thì không ai dám thi công trước khi Bộ Công thương hay Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo ban hành ý kiến thẩm định về thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật.
Chưa kể, nếu mua sắm vật tư thiết bị khi thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật chưa được thẩm định phê duyệt và nếu giá cao hơn thị trường, thì không ai thẩm định được. “Tuy nhiên, với doanh nghiệp tư nhân, mọi việc có thể lại đơn giản hơn”, chuyên gia này nói.
Trong khi DNNN mắc kẹt với thủ tục khi phải chờ đợi sự phê duyệt từ các cơ quan quản lý nhà nước rồi mới dám thi công, thì với công trình Trạm biến áp 220/500 kV Trung Nam - Thuận Nam và đường dây 220 kV, 500 kV của Tập đoàn Trung Nam đầu tư hiện nay, chuyện thi công trước khi có văn bản thẩm định đã diễn ra.
Thừa nhận thực tế này ở công trình Trạm biến áp 220/500 kV Trung Nam - Thuận Nam và đường dây 220 kV, 500 kV của Tập đoàn Trung Nam, một quan chức cao cấp của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, khi Cục chưa ban hành văn bản thẩm định thiết kế kỹ thuật với công trình Trạm biến áp 220/500 kV Trung Nam - Thuận Nam và đường dây 220 kV, 500 kV của Tập đoàn Trung Nam, thì công trình này đã được triển khai thần tốc trên thực tế.
Cụ thể, vào cuối tháng 7/2020, khi hồ sơ của công trình mới được gửi tới Cục và chưa ban hành văn bản thẩm định thiết kế cơ sở, nhưng khối lượng thi công tại Trạm biến áp 500 kVcủa Tập đoàn Trung Nam đã đạt 80%. Đối với đường dây 220 kV đã hoàn thành 100% móng trụ, đang lắp đặt các trụ cột điện 220 kV và kế hoạch ngày 25/7/2020 hoàn thành kéo dây...
Trao đổi về thực tế này, một chuyên gia cho hay, về nguyên tắc, doanh nghiệp tư nhân hay DNNN làm các công trình điện cấp I đều phải trải qua các quy trình như nhau, chỉ khác là phần thu xếp vốn ai nhanh hơn. Còn nếu bỏ qua các quy trình theo quy định mà không có sự cho phép đặc cách của cơ quan chức năng bằng văn bản, thì không doanh nghiệp nhà nước nào dám làm.
Chi giải phóng mặt bằng 1 tỷ đồng/cột điện
Cơn sốt điện mặt trời bùng nổ tại Bình Thuận đã khiến chi phí giải phóng mặt bằng sạch bị đẩy lên cao chóng mặt.
Trao đổi với phóng viên, người phụ trách triển khai dự án điện mặt trời của một doanh nghiệp tư nhân tại Tuy Phong (Bình Thuận) cho hay, để kịp tiến độ đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019 và hưởng mức giá mua điện 9,35 UScent/kWh trong 20 năm, họ đã chấp nhận trả tiền cho các hộ dân có liên quan để có đất sạch thi công 3 cột điện 220 kV cuối cùng là 1 tỷ đồng/cột.
Được biết, đất sạch làm dự án điện mặt trời ban đầu chỉ có giá 50 triệu đồng/ha, nhưng tới những thửa đất cuối cùng thì giá đã lên 680 triệu đồng/ha tại Ninh Thuận, Bình Thuận.
Nói về giải phóng mặt bằng sạch cho các dự án điện, một chuyên gia cho biết, các dự án của tư nhân vẫn có quyết định phê duyệt đền bù giải phóng mặt bằng sạch với đơn giá đất theo quy định của địa phương. Tuy nhiên, trong triển khai, họ sẽ chi các khoản mang tính hỗ trợ theo nhiều cách, nên số tiền cuối cùng mà người dân thực nhận lớn hơn nhiều lần con số quy định của Nhà nước.
Là tư nhân, đồng tiền chi ra họ có thể trích từ lợi nhuận của doanh nghiệp, còn doanh nghiệp nhà nước thì chịu cứng, muốn chi tiền hỗ trợ theo yêu cầu của người dân để giải phóng nhanh mặt bằng cũng không có cửa, bởi sau đó không biết hạch toán vào đâu và cũng không thể trích lợi nhuận ra được bởi lợi nhuận đó thuộc về Nhà nước. Vì thế, các công trình của doanh nghiệp nhà nước làm luôn bị chậm trong giải phóng mặt bằng, dẫn tới dự án bị kéo dài trong triển khai.
Tại Báo cáo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng rừng và giải phóng mặt bằng tại các dự án điện gửi Thủ tướng Chính phủ hồi cuối tháng 5/2020, Văn phòng Ban Chỉ đạo phát triển điện lực quốc gia cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến dự án điện, nhất là các dự án truyền tải bị đình trệ.
Cụ thể, thời gian giải quyết các thủ tục của từng khâu trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng ở các cấp mà báo cáo này đưa ra chi tiết cho thấy, mất ít nhất 300 ngày (không tính thời gian cưỡng chế thu hồi đất, bảo vệ thi công đào móng...).
Với những khó khăn thực tế khi triển khai các công trình điện, đặc biệt là lưới điện như vậy, câu chuyện doanh nghiệp nhà nước không thể “thi công thần tốc” như cách doanh nghiệp tư nhân là điều dễ hiểu.