EVNNPT căng mình lo truyền tải điện

Ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) trao đổi về những thách thức trong vận hành để đảm bảo nguồn điện mùa nắng nóng.
Ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia. Ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia.

Ngay đầu mùa hè, miền Bắc và miền Trung đã chứng kiến những đợt nắng nóng dài với nhiệt độ cao. Đây có phải là áp lực lớn với EVNNPT để đảm bảo an toàn lưới truyền tải không, thưa ông?

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, năm nay sẽ có nhiều thời điểm nắng nóng khốc liệt. Điều này khiến tiêu thụ điện tăng mạnh, gây áp lực lớn cho ngành điện.

Đối với lưới truyền tải điện, áp lực lớn nhất trong mùa nắng nóng năm 2020 vẫn là đảm bảo an toàn, tin cậy cung cấp điện cho phụ tải cả nước.

Năm 2019, vào cao điểm nắng nóng, lưới điện truyền tải phải vận hành căng thẳng với nhiều đường dây và máy biến áp đầy tải, thậm chí có thời điểm đã vận hành trong tình trạng quá tải, đặc biệt đối với các khu vực trung tâm phụ tải như Hà Nội, TP.HCM và vùng phụ cận.

Để đảm bảo an ninh, an toàn lưới truyền tải, với mục tiêu cấp điện an toàn, ổn định, EVNNPT đã chủ động chuẩn bị ra sao?

EVNNPT đã cùng các đơn vị thành viên xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm giảm sự cố, ổn định điện áp, giảm dòng ngắn mạch, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy thiết bị trên lưới điện.

Đặc biệt, EVNNPT đã và đang khẩn trương đóng điện các công trình nhằm tăng cường năng lực lưới điện truyền tải cấp điện cho các khu vực phụ tải trọng điểm, như đã đóng điện máy biến áp 600 MVA-500 kV, nâng công suất trạm biến áp 500 kV Nho Quan; tăng khả năng giải tỏa công suất qua các đường dây 220 kV, 500 kV đấu nối Nhiệt điện Hải Dương, Sông Hậu 1; nâng công suất các máy biến áp 450 MVA trạm Vĩnh Tân lên 900 MVA, lắp máy thứ 2 (500 kV - 450 MVA) tại trạm biến áp 500 kV Di Linh. Ngoài ra, nhiều dự án khác cũng đang được EVNNPT đẩy nhanh tiến độ để tăng cường khả năng truyền tải điện.

Rút kinh nghiệm các năm trước đã có một số vụ cháy rừng ở miền Trung, ảnh hưởng đến hệ thống điện, năm nay, EVNNPT đã chuẩn bị ra sao cho tình huống này?

Năm 2014 và 2015, đã xảy ra cháy rừng, gây sự cố đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định, cháy ruộng mía gây sự cố đường dây 220 kV Nha Trang- Krôngbuk; năm 2017, cháy rừng ngoài hành lang gây sự cố đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây. Đặc biệt, mùa nắng nóng năm 2019, cháy rừng nhiều ngày tại khu vực miền Trung đã gây sự cố lưới điện đường dây 500 kV Đà Nẵng - Vũng Áng và Đà Nẵng - Hà Tĩnh, ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an toàn cung cấp điện.

Để ngăn ngừa và khắc phục nhanh sự cố do cháy rừng, các đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát các vị trí đường dây truyền tải đi qua rừng, nương rẫy, phối hợp với địa phương, chủ rừng thu dọn thực bì, cành cây khô ra khỏi hành lang đường dây.

Chúng tôi cũng phối hợp với địa phương tăng cường tuyên truyền tới người dân, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không đốt rừng, không để lá cây, cành cây khô tồn tại trong hành lang đường dây. Truyền tải điện cũng ký quy chế phối hợp về phòng cháy, chữa cháy với chính quyền và công an địa phương, lực lượng kiểm lâm và chủ rừng.

Ngoài ra, EVNNPT còn sử dụng thiết bị bay giám sát hành lang, lắp camera giám sát tại các khu vực dễ xảy ra cháy.

Khi xảy ra cháy lớn gần đường dây, ngoài phối hợp với các bên để dập cháy, EVNNPT cũng chủ động cắt điện nếu có nguy cơ mất an toàn và khôi phục vận hành ngay sau khi đám cháy không còn ảnh hưởng đến đường dây.

EVNNPT đã tính toán ra sao về tình huống cực đoan khi mưa bão lớn, hệ thống truyền tải 500 kV Bắc - Nam gặp sự cố, làm gãy đổ cột điện?

Hiện nay, hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam do 4 công ty truyền tải điện quản lý vận hành. Đường dây đã được thiết kế để chịu được các cơn bão, gió lớn. Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu, nhiều hiện tượng cực đoan về thời tiết đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam như gió lốc, nắng nóng, thậm chí xảy ra băng tuyết ở miền Bắc.

Để ứng phó với các hiện tượng đó, EVNNPT đã giao các công ty truyền tải điện chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai, trong đó có giả định cả các trường hợp gãy đổ cột điện 220 kV và 500 kV. Điều này liên quan tới việc chuẩn bị các vật tư để chằng néo cột tránh ngã đổ, vặn cột, chuẩn bị cột dự phòng có kết cấu tương tự, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ngay cho việc khắc phục nếu xảy ra sự cố. Trong các phương án có cả việc phối hợp với các trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, trung tâm điều độ hệ thống các miền để nhanh chóng có phương thức truyền tải cung cấp điện, giảm thiểu ảnh hưởng đến việc cung cấp điện.

Chúng tôi cũng phối hợp với các đơn vị sản xuất cột điện nhằm sẵn sàng chế tạo vật tư thay thế.

Ngoài ra, trong các tình huống mưa to, bão lớn, các đơn vị cũng đã xây dựng các kịch bản nhằm chủ động phối hợp với các địa phương trong huy động phương tiện, lực lượng của các đơn vị, ngành khác như công an, quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia hỗ trợ vận chuyển, khắc phục sự cố để nhanh chóng khôi phục vận hành đường dây truyền tải.

Xuân Tiến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục