WHO đề xuất việc phân phối liều vắc xin tăng cường nên được tạm dừng ít nhất 2 tháng để thế giới có cơ hội đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số của mọi quốc gia vào cuối tháng 9.
“Chúng tôi cần một sự đảo ngược khẩn cấp từ phần lớn vắc xin được chuyển đến các nước thu nhập cao sang phần lớn đến các nước thu nhập thấp”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại một cuộc họp báo.
Tiến sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của ông Ghebreyesus cho biết, đề xuất này là một phần trong kế hoạch của ông Ghebreyesus để tiêm chủng cho 40% dân số trên thế giới vào tháng 12.
“Bức tranh lớn ở đây là chính sách không tiếp tục tiến hành với các liều vắc xin tăng cường cho đến khi chúng ta đưa cả thế giới đến một thời điểm mà dân số già, những người mắc bệnh đi kèm, những người đang làm việc ở tuyến đầu tất cả đều được bảo vệ ở mức độ có thể với vắc xin”, Tiến sĩ Aylward nói tại cuộc họp báo.
Các chuyên gia cho biết, việc tiêm chủng cho tất cả dân số thế giới là rất quan trọng để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Nhiều chủng virus khác sẽ xuất hiện và gây ra nhiều rủi ro hơn cho tất cả các quốc gia, dù đã được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng trừ khi nhiều dân số trên thế giới được chủng ngừa.
“Toàn bộ thế giới đang ở giữa vấn đề này và như chúng ta đã thấy với sự xuất hiện của biến thể này đến biến thể khác, chúng ta không thể thoát khỏi nó trừ khi cả thế giới cùng nhau thoát khỏi nó, và với sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng thì chúng tôi sẽ không thể đạt được điều đó”, Tiến sĩ Aylward cho biết.
Bên cạnh đó, thời gian của đề xuất tạm dừng phân phối liều vắc xin tăng cường có thể được kéo dài nếu tỷ lệ tiêm chủng ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp không tăng.
“Ngay bây giờ, nếu chúng ta nhìn vào cách vắc xin đang được sử dụng trên toàn cầu, tỷ lệ tiêm chủng của các quốc gia thu nhập cao, các quốc gia có thu nhập trên trung bình đang hấp thụ quá nhiều nguồn cung toàn cầu so với các quốc gia có thu nhập thấp nhất”, Tiến sĩ Aylward cho biết.
Động thái này diễn ra sau khi Israel tuyên bố nước này sẽ tiêm liều tăng cường cho người già. Cộng hòa Dominica cũng đã tiến hành tiêm liều tăng cường cho dân số của mình, trong khi quốc gia láng giềng Haiti gần đây chỉ mới tiêm liều vắc xin đầu tiên.
Mọi người ở Mỹ cũng đang tìm cách để đảm bảo có các mũi tiêm tăng cường.
Sở Y tế Công cộng San Francisco và Bệnh viện Đa khoa Zuckerberg San Francisco cho biết hôm thứ Ba (3/8) rằng họ sẽ cho phép những bệnh nhân đã tiêm vắc xin Johnson & Johnson được tiêm bổ sung liều vắc xin mRNA.
Pfizer đã khẳng định rằng mọi người sẽ cần tiêm liều vắc xin tăng cường trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết dữ liệu đảm bảo nhu cầu về liều vắc xin tăng cường vẫn chưa rõ ràng.
Các quan chức của WHO cũng cho biết, sau tháng 12, họ hy vọng sẽ có 70% thế giới được tiêm chủng vào giữa năm 2022, “và đó là lúc chúng ta thực sự có thể bắt đầu tập trung vào các cạnh về mức độ cần thiết để vượt qua mức đó,” Tiến sĩ Kate O'Brien, Giám đốc Bộ phận tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của WHO cho biết tại cuộc họp báo.
Cho đến khi đạt được mục tiêu đó, các quan chức y tế toàn cầu hy vọng rằng các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ tuân thủ yêu cầu tạm hoãn tiêm chủng, và quan trọng hơn là lời kêu gọi chấm dứt tình trạng bất bình đẳng về vắc xin.
Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO Maria Van Kerkhove cho biết: “Chúng ta cần một chiến lược về vắc xin, và chúng ta cần các biện pháp y tế cộng đồng và xã hội ở cấp độ cá nhân và cấp cộng đồng, chúng ta cần mọi người thực hiện ngay bây giờ”.