Cuộc chiến về giá trong lĩnh vực thương mại tức thời ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ dừng cuộc chiến về giá ngay cả khi có nguy cơ đối mặt với rủi ro pháp lý.
Cuộc chiến về giá trong lĩnh vực thương mại tức thời ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại

Cuộc chiến trong lĩnh vực thương mại tức thời có thể dẫn tới những biện pháp kiểm soát từ cơ quản quản lý do lo ngại rằng, việc giảm giá mạnh tay có thể làm gia tăng áp lực giảm phát lên một nền kinh tế vốn đã chịu nhiều áp lực từ thuế quan của Mỹ.

Alibaba, JD.com và Meituan đã cam kết chi gần 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) để tài trợ cho dịch vụ giao hàng một giờ trong những tháng gần đây, dẫn đến việc khách hàng đặt đồ uống có thể được nhận miễn phí.

Chiến lược này cực đoan đến mức bộ ba này đã bị triệu tập lần thứ hai vào tuần trước lên Cục Quản lý Thị trường Nhà nước, để kêu gọi "cạnh tranh hợp lý" phù hợp với chương trình nghị sự của chính phủ.

"Đây thực sự là một cuộc chiến đang diễn ra ngay lúc này, nhưng lại liên quan nhiều hơn đến kỳ vọng trong 5 - 10 năm tới. Các nền tảng tin rằng đây là sự sống còn, nó có thể quyết định tương lai công ty", Ed Sander, nhà phân tích công nghệ tại Tech Buzz China cho biết.

Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo và kho hàng tự động sẽ giúp thương mại tức thời ngày càng sinh lời, thậm chí có thể lấn át thương mại điện tử truyền thống.

Cạnh tranh không lành mạnh

Các nhà chức trách ở Trung Quốc thường có cách tiếp cận kiên quyết và cứng rắn đối với các hoạt động mà họ cho là bất lợi cho sự phát triển lành mạnh và hợp lý của thị trường.

Hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã có bài xã luận về tác động tiêu cực của việc "mua hàng bằng 0 nhân dân tệ". "Bề ngoài, các công ty nền tảng tham gia vào cuộc chiến về giá để cạnh tranh giành thị phần trong ngành bán lẻ thương mại tức thời, nhưng bản chất của họ là sử dụng trợ cấp để tạo ra một 'thị trường bong bóng'… Nói thẳng ra, không có bên nào chiến thắng”.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,3% trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại từ 6,4% trong tháng 5 xuống còn 4,8% trong tháng 6.

Hơn nữa, các nhà kinh tế của ANZ ước tính, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ giảm 0,1% trong năm nay và chỉ số giá sản xuất (PPI) sẽ giảm 3%, đánh dấu mức giảm đầu tiên trong năm kể từ năm 2009.

"Một cuộc chiến về giá không bao giờ có lợi cho doanh nghiệp. Người tiêu dùng tất nhiên được hưởng lợi, nhưng xét về mặt kinh tế vĩ mô, điều này khiến kỳ vọng về giá tiếp tục giảm… Mức độ cạnh tranh ở Trung Quốc đã trở nên phi thực tế và đôi khi còn cực đoan. Sự can thiệp của chính phủ trở nên cần thiết vì lợi ích chung", giáo sư kinh tế Bala Ramasamy tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu ở Thượng Hải cho biết.

Sự thu hút ngay lập tức

Sự quan tâm của cơ quan quản lý đối với lĩnh vực thương mại tức thời khác với lĩnh vực xe điện - mà cuộc chiến về giá một phần xuất phát từ tình trạng dư thừa công suất. Theo các nguồn tin, một vấn đề được cơ quan quản lý nêu ra trong lĩnh vực thương mại tức thời là tình trạng lãng phí thực phẩm từ các đơn hàng 0 nhân dân tệ chưa được tiêu thụ.

"Mọi thứ đều cho thấy các cơ quan quản lý không hài lòng với điều này, chắc chắn không hài lòng với việc nhiều công ty công nghệ chỉ đốt tiền bằng cách tung ra những chương trình giảm giá cho người tiêu dùng mà không có tác dụng lâu dài", nhà phân tích Ed Sander cho biết.

Trong khi đó, sức hấp dẫn của cuộc chiến về giá trong lĩnh vực thương mại tức thời rất khó bị bỏ qua đối với các công ty thương mại điện tử đang chật vật để lấy lại tăng trưởng trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng giảm sút kể từ đại dịch Covid-19.

Theo dữ liệu từ Học viện Thương mại và Hợp tác Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, ngành thương mại đang tăng trưởng nhanh hơn khoảng 2,5 lần so với thương mại điện tử thông thường và dự kiến sẽ vượt mốc 2.000 tỷ nhân dân tệ (280 tỷ USD) doanh số vào năm 2030.

Trong khi người tiêu dùng có thể thích thú với mức giá thấp, thì các người bán phàn nàn trên mạng xã hội rằng cuộc chiến giá cả gần như xóa sổ biên lợi nhuận và các chủ nhà hàng than thở về sự sụt giảm lượng khách hàng đến trực tiếp.

"Về mặt quản lý, các cơ quan chức năng nhìn chung ủng hộ cạnh tranh, điều họ phản đối nhiều nhất là độc quyền… Vì vậy, việc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến giao hàng là điều khó có thể xảy ra..., mặc dù họ có thể sẽ giải quyết một số vấn đề hiện tại, chẳng hạn như tác động đến các nhà hàng ăn tại chỗ”, Wang Hongdong, nhà phân tích ngành dịch vụ ăn uống, người sáng lập viện nghiên cứu dữ liệu dịch vụ ăn uống NCBD cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục