
Báo cáo cho thấy, chỉ số niềm tin đã tăng lần đầu kể từ quý II/2024, đạt mức cao nhất trong gần một năm. Tuy nhiên, mức độ lạc quan vẫn còn yếu so với các tiêu chuẩn lịch sử, phản ánh sự thận trọng trước môi trường kinh tế và địa chính trị đầy biến động. Các chỉ số Đơn hàng mới và Chi tiêu vốn giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì quanh mức trung bình lịch sử, trong khi Chỉ số Việc làm cải thiện, cho thấy thị trường lao động phần nào ổn định.
Tại Bắc Mỹ, tâm lý tích cực hơn tại Hoa Kỳ đã góp phần giúp niềm tin khu vực tăng nhẹ, dù vẫn ở mức thấp so với trung bình dài hạn. Tây Âu tiếp tục phục hồi vừa phải, đặc biệt tại Anh, sau cú sụt mạnh trong quý IV/2024. Trái ngược, khu vực châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm mạnh về niềm tin, xóa bỏ hoàn toàn mức tăng đạt được trong quý đầu năm nay.
Theo ACCA, bối cảnh thương mại toàn cầu xấu đi, cùng với các chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ, là nguyên nhân chính tác động đến tâm lý tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Tại châu Á - Thái Bình Dương, chỉ số Đơn hàng mới giảm mạnh nhưng vẫn trên mức trung bình. Trong khi đó, chỉ số Chi tiêu vốn tăng nhẹ, còn chỉ số Việc làm lại sụt giảm sâu, cả hai đều đang ở mức yếu theo dữ liệu lịch sử. Đáng chú ý, số kế toán viên lo ngại khách hàng có thể phá sản đã tăng đột biến trong quý này.
![]() |
Ông Jonathan Ashworth, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại ACCA, nhận định rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn duy trì được sự ổn định tương đối trong nửa đầu năm bất chấp thuế quan tăng mạnh và môi trường bất định.
“Các chỉ số hiện tại không phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng mạnh, nhưng cũng chưa cho thấy một cuộc suy thoái đang cận kề,” ông Ashworth cho hay. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng lạm phát tại Hoa Kỳ có thể gia tăng trong thời gian tới do thuế quan cao hơn, kéo theo nguy cơ tăng trưởng chậm lại vào nửa cuối năm.
Đồng quan điểm, ông Alain Mulder, Giám đốc cấp cao khu vực châu Âu của IMA, cho biết áp lực chi phí đang giảm ở một số nơi nhưng vẫn cao tại Bắc Mỹ, làm dấy lên nguy cơ doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giá bán trong thời gian tới.
“Theo đánh giá của các kế toán viên, áp lực chi phí toàn cầu đã giảm, tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực. Tỷ lệ người trả lời ở Bắc Mỹ cho biết chi phí vận hành tăng đã giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao so với lịch sử sau đợt tăng mạnh trong quý 1, điều này làm dấy lên nguy cơ các doanh nghiệp sẽ tăng giá trong thời gian tới,” ông Mulder nhấn mạnh. “Lạm phát tăng có thể làm khó thêm cho Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đặc biệt nếu tăng trưởng chậm lại và thị trường việc làm yếu đi, tạo áp lực phải nới lỏng chính sách tiền tệ.”
Lần đầu tiên, yếu tố địa chính trị vượt lên trở thành rủi ro hàng đầu trong nhận thức của giới kế toán toàn cầu. Các lo ngại về kinh tế và rủi ro pháp lý, tuân thủ cùng đứng ở vị trí thứ hai. Thiếu hụt nhân tài và an ninh mạng vẫn là những thách thức đáng kể, nhưng giảm nhẹ về mức độ quan tâm. Trong khi đó, các rủi ro như biến đổi khí hậu, gian lận hay đứt gãy chuỗi cung ứng dần lùi xuống dưới bảng ưu tiên, cho thấy sự chuyển hướng rõ rệt sang việc ứng phó với các biến động vĩ mô và bất ổn toàn cầu.
Báo cáo kết luận rằng các kế toán viên toàn cầu đang giữ tâm thế cảnh giác trước bối cảnh thế giới nhiều rủi ro chồng chất, và sự phục hồi về niềm tin, dù đã xuất hiện, vẫn rất mong manh.