Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai (12/7): “Có nhiều báo cáo cho biết trong số các khu vực được tiêm chủng vẫn có các trường hợp nhiễm, đặc biệt là với biến thể delta. Phần lớn trong số này là ca nhiễm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Soumya Swaminathan cho biết, số ca nhập viện đang gia tăng ở một số nơi trên thế giới, chủ yếu là những nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp và các biến thể delta rất dễ lây lan.
Tại Mỹ, các quan chức y tế cho biết hầu như tất cả các ca nhập viện và tử vong do Covid-19 gần đây đều xảy ra ở những người không được tiêm chủng. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, khoảng 75% những người tử vong hoặc nhập viện vì Covid-19 sau khi tiêm vắc xin là trên 65 tuổi.
“Biến thể delta đang tấn công khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, tạo ra một mức tăng đột biến mới về số ca và tử vong. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng gặp phải những tác động như nhau. Chúng ta đang ở giữa một đại dịch hai chiều ngày càng tăng giữa những khu vực có và không có virus và giữa các quốc gia ngày càng khác nhau vì có tỷ lệ tiêm chủng cao”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Ông nói rằng, biến thể này đang lây lan nhanh chóng và lây nhiễm sang những người không được bảo vệ và dễ bị tổn thương.
Tiến sĩ Swaminathan cảnh báo rằng, những người được tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm Covid-19 và truyền bệnh cho người khác, đó là lý do tại sao các quan chức của WHO đã kêu gọi mọi người tiếp tục đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.
“Nhưng chắc chắn vắc xin làm giảm đáng kể nguy cơ nhập viện và tử vong”, bà nói thêm.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm chủng tạo ra ít virus hơn nhiều so với những người không được tiêm chủng, làm giảm nguy cơ truyền virus cho người khác. Các quan chức của WHO cho biết cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu tác động của vắc xin đối với khả năng lây truyền.