Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News ngày 10/1, ông David Nabarro, đặc phái viên về Covid-19 của WHO, cho rằng đại dịch sẽ còn thách thức thế giới trong ít nhất 3 tháng nữa, nhưng triển vọng chấm dứt đại dịch đã ở phía trước.
"Tôi e rằng chúng ta sẽ phải chạy đua ứng phó dịch. Chúng ta đã có thể nhìn thấy vạch đích, nhưng chúng ta chưa đạt đến điểm đích. Sẽ có một số thách thức nữa trước khi chúng ta đến đích… Tình hình sẽ còn thách thức trong ít nhất 3 tháng nữa", ông Nabarro nói.
Bình luận về mô hình diễn biến dịch, ông Nabarro nói: "Cách mà virus hoạt động đó là hình thành, sau đó bùng phát mạnh, tiếp đến là lắng xuống và lại bùng lên sau 3-4 tháng".
Dự đoán về diễn biến dịch trong tương lai, ông cho biết: "Rất khó để dự đoán tương lai dựa vào cách thức hoạt động của virus trong quá khứ. Tuy nhiên, tôi cho rằng dịch sẽ tiếp tục bùng lên, do vậy, sống chung với Covid-19 nghĩa là chuẩn bị tốt cho các đợt bùng phát mới và ứng phó nhanh chóng khi nó xảy ra.
Trước đó, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo rằng, không thể tuyên bố chấm dứt đại dịch khi hệ thống y tế vẫn có nguy cơ không thể đối phó với số ca bệnh tăng đột biến.
"Chúng ta phải học cách sống chung với virus. Ngay khi hệ thống y tế của chúng ta không bị quá tải bởi các ca nhập viện và tử vong do Covid-19, tức là nó có thể cung cấp các dịch vụ mà nó đã cung cấp trước đây, thì đại dịch có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu", ông Kluge nói.
Hơn hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đợt bùng phát mới do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Biến chủng Omicron được phát hiện hồi cuối năm 2021 ở châu Phi đang khiến số ca nhiễm mới ở nhiều nơi trên thế giới tăng đột biến, kéo theo thách thức lớn cho hệ thống y tế.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022 hay nói cách khác là không còn gây mối đe dọa đáng kể cho thế giới."2022 là năm đại dịch Covid-19 có thể kết thúc.
Giờ đây, chúng ta đã có các công cụ có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này", bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách Covid-19 của WHO, nhận định. Dự đoán này được đưa ra dựa trên tính toán rằng, đến giữa năm 2022, các nước đều đạt được tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 70%.
Bà Kerkhove nhấn mạnh, vaccine Covid-19 là một công cụ quan trọng để kiểm soát đại dịch. "Với công cụ này, chúng ta có thể giảm tỉ lệ mắc bệnh, nhập viện, bệnh nặng, giảm số người phải chăm sóc tích cực và số người đang hấp hối. Chúng ta có thể khiến Covid-19 không còn gây chết chóc nữa và cũng có thể giảm sự lây lan của nó".