Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của WB vừa công bố cho biết, mức tăng trưởng chậm tại các thị trường mới nổi chính sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016. Điều này gây quan ngại đối với khả năng hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và chia sẻ thành quả phát triển cho mọi đối tượng, vì các nền kinh tế này từng là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỉ vừa qua.
Báo cáo cũng cảnh báo, tác động lan tỏa từ các nền kinh tế mới nổi sẽ kéo theo hạn chế tăng trưởng tại các nước đang phát triển và đe dọa những thành quả giảm nghèo vốn rất khó khăn mới đạt được.
“Trên 40% số người nghèo trên thế giới sống tại các nước đang phát triển, nơi tăng trưởng đã bị chậm lại trong năm 2015. Các nước đang phát triển cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó với môi trường kinh tế kém thuận lợi và bảo vệ nhóm người bị thiệt thòi nhất”, Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm WB nói.
Cũng theo dự báo của WB, các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% năm 2016, thấp hơn mức dự báo trước đây, nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,3% giai đoạn sau khủng hoảng trong năm 2015. Trong năm 2016, tăng trưởng dự đoán sẽ tiếp tục giảm tại Trung Quốc, còn Nga và Brazil sẽ tiếp tục suy thoái. Ấn Độ sẽ dẫn đầu khu vực Nam Á, nơi sẽ là điểm sáng về tăng trưởng. Hiệp định TPP dự kiến sẽ góp phần làm bùng nổ thương mại.
Tuy ít có khả năng xảy ra nhưng nếu các nền kinh tế mới nổi chủ chốt suy giảm nhanh hơn dự đoán, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động. Trong số các rủi ro cần kể đến căng thẳng tài chính liên quan đến việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và các căng thẳng địa chính trị.
“Tăng trưởng mạnh lên tại các thị trường phát triển chỉ bù đắp phần nào các rủi ro do tăng trưởng tiếp tục suy giảm tại các thị trường mới nổi chính”, ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm Triển vọng kinh tế phát triển của WB nói.
WB dự báo, tăng trưởng của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ giảm nhẹ xuống còn 6,3% trong năm 2016, từ mức 6,4% trong năm 2015. Trong đó, tăng trưởng của Trung Quốc dự báo chỉ còn 6,7% trong năm 2016 so với mức 6,9% năm 2015. Còn tại châu Âu và Trung Á, tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 3% năm 2016 so với mức 2,1% năm 2015. Nền kinh tế Nga sẽ giảm 0,7% năm 2016, sau khi giảm 3,8% năm 2015. Trong khi đó, khu vực Nam Á sẽ là điểm sáng về tăng trưởng đối với tốc độ 7,3% năm 2016, sau khi đã đạt 7,0% năm 2015. Khu vực này có ít quan hệ buôn bán với Trung Quốc hơn so với các khu vực khác và đây cũng là khu vực nhập khẩu ròng dầu lửa nên sẽ được hưởng lợi khi giá dầu toàn cầu giảm. Trong đó, Ấn Độ dự kiến sẽ tăng trưởng 7,8% và Pakistan tăng trưởng 4,5%. |