Dirk Reinermann, người đứng đầu bộ phận huy động vốn của WB cho biết, Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) đang cần nguồn tài trợ “bổ sung lớn nhất từ trước đến nay” để cung cấp các khoản vay và trợ cấp giá rẻ cho 75 quốc gia đang phát triển.
Ông không nêu rõ mục tiêu, nhưng IDA đã huy động được 23,5 tỷ USD từ các nước tài trợ vào năm 2021, trong vòng gây quỹ cuối cùng. Số tiền huy động đã được nâng lên 93 tỷ USD sau khi khai thác thị trường vốn.
Các nhà phân tích cho biết, làn sóng khủng hoảng nợ công và chi phí liên quan đến việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi nguồn tài trợ phát triển tăng mạnh, đồng thời các cuộc bầu cử và cắt giảm ngân sách viện trợ sẽ hạn chế khẩu vị chi tiêu của các quốc gia tài trợ lớn nhất của IDA như Mỹ và Anh.
Charles Kenny, thành viên cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Phát triển Toàn cầu (CGD) cho biết: “Một số nhà tài trợ truyền thống lớn nhất đang gặp phải những vấn đề khiến họ khó có thể chi được số tiền lớn hơn cho IDA”.
Với tổng tài sản 235 tỷ USD, IDA được các chính phủ và các nhóm chính sách xem là một trong những tổ chức cung cấp viện trợ hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống nghèo đói toàn cầu, bởi vì quỹ có thể thúc đẩy thị trường vốn để tăng gấp ba lần số tiền thu được hàng năm và cấp vốn cho các quốc gia nghèo với lãi suất ưu đãi.
Annalisa Prizzon, nhà nghiên cứu chính tại tổ chức tư vấn phát triển ODI cho biết, IDA “mang lại giá trị đồng tiền cho các quốc gia tài trợ, nhiều hơn so với các cơ sở dựa trên tài trợ khác”.
IDA phải chuyển sang các nước giàu hơn để huy động vốn ba năm một lần vì sự hỗ trợ của họ tạo ra rất ít lợi nhuận tài chính.
Trong khi đó, nhiều quốc gia đối mặt với khủng hoảng nợ sẽ phải trả cho những người cho vay và trái chủ hiện tại nhiều hơn số tiền họ nhận được từ các khoản vay mới. Chủ nợ song phương lớn là Trung Quốc hiện đã ngừng cho vay, làm giảm một nguồn tài trợ khác cho các nước nhận IDA.
“Do môi trường kinh tế vĩ mô, ngày càng có nhiều quốc gia rơi vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đồng nghĩa với việc họ nhận được nguồn tài trợ IDA với lãi suất ưu đãi, đòi hỏi IDA phải triển khai nhiều vốn chiến lược hơn”, ông Dirk Reinermann cho biết.
Các quan chức ở một số chính phủ tài trợ đã kêu gọi WB sử dụng đòn bẩy hơn nữa để tận dụng các nguồn IDA hiện có, đến mức phải hy sinh xếp hạng tín nhiệm AAA của mình. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn thận trọng trước những động thái có thể dẫn đến việc hạ xếp hạng.
Các nhà tài trợ lớn nhất của IDA |
Trong khi đó, sự bất ổn về chính trị và kinh tế ở bốn nhà tài trợ lớn nhất – Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản – tạo ra những thách thức mới. Theo ông Charles Kenny, nguồn tài trợ sẽ phải dựa vào “sự gia tăng ấn tượng từ các nhà tài trợ nhỏ hơn theo truyền thống, cũng như hoạt động vận động hành lang ấn tượng của các nhà tài trợ lớn hơn” để đạt được mục tiêu của mình.
Cạnh tranh về nguồn tài trợ cũng đang tạo thêm áp lực. Theo CGD, từ quý II/2024 cho đến cuối năm 2025, 8 tổ chức phát triển lớn bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và liên minh vắc xin GAVI, sẽ yêu cầu các chính phủ tài trợ ước tính khoảng 80 tỷ USD.
Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc nằm trong số những quốc gia từng nhận IDA, nhưng đã trở thành nhà tài trợ quan trọng trong những năm gần đây. Các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út cũng được cho là sẽ tăng đóng góp trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng những nguồn tài trợ mới này sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu tài trợ lớn hơn trong những năm tới.
Trong khi đó, WB có thể khiến nguồn tiền dồi dào hơn nữa bằng cách giảm tỷ trọng tương đối của các khoản tài trợ dành cho các quốc gia có nguy cơ vỡ nợ thấp hơn. Nhưng điều đó sẽ không được lòng các nước tiếp nhận, đặc biệt là những nước đang chống lại tác động của biến đổi khí hậu mà IDA đang tìm cách hỗ trợ mục tiêu.
Amy Dodd, Giám đốc chính sách kinh tế phát triển tại ONE Campaign cho biết, còn có những ý tưởng khác, chẳng hạn như bán các hình thức vốn kết hợp cho các nhà đầu tư, nhưng chưa rõ liệu các công cụ như nợ thứ cấp có giúp ích được hay không vì tính phức tạp của chúng.
“IDA là một công cụ thực sự đơn giản. Các nhà tài trợ bỏ tiền vào, IDA lấy số tiền đó và tận dụng nó bằng các nguồn lực của mình và tiền quay trở lại…Có giá trị trong sự đơn giản”, bà cho biết.