Warren Buffett Thái Lan: cổ phiếu Việt Nam có tiềm năng lớn

(ĐTCK) Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Tiến sĩ Niwes Hemvachiravarakorn, nhà đầu tư nổi tiếng được mệnh danh là “Warren Buffett Thái Lan”, nằm trong danh sách 99 nhà đầu tư vĩ đại của tác giả Magnus Angenfelt’s cho rằng, nhà đầu tư Thái Lan nên tận dụng cơ hội đầu tư ngay bây giờ, khi cổ phiếu rẻ và tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam còn lớn.
Warren Buffett Thái Lan: cổ phiếu Việt Nam có tiềm năng lớn

Theo ông, thị trường chứng khoán Thái Lan và Việt Nam có điểm gì khác biệt? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm đầu tư của mình tại 2 thị trường này?

Tôi bắt đầu đầu tư tại Thái Lan vào năm 1997, với số tiền ban đầu là 300.000 USD. Khi ấy, tôi đã 42 tuổi và nền kinh tế Thái Lan đang chìm trong khủng hoảng. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm mua cổ phiếu và sau 19 năm kiên nhẫn, tài sản của tôi đã lên mức 100 triệu USD vào năm nay.

2 năm trước, tôi đa dạng hóa danh mục của mình bằng cách đầu tư vào 50 cổ phiếu Việt Nam đang được định giá thấp. Tôi chọn Việt Nam vì đây là thị trường đang phát triển và có nền tảng vĩ mô ổn định.Thú thật, thời điểm đó, tôi chọn cổ phiếu đơn thuần dựa trên định giá thấp mà không để tâm đến các phân tích về ngành hay doanh nghiệp.

Warren Buffett Thái Lan: cổ phiếu Việt Nam có tiềm năng lớn ảnh 1

 Tiến sĩ Niwes Hemvachiravarakorn

Vì vậy, sau hai năm “để không” 50 cổ phiếu đã chọn, tôi rất bất ngờ khi nhận ra nhiều doanh nghiệp Việt Nam trả cổ tức khá cao (khoảng 10% trở lên) so với Thái Lan. Tôi quyết định thay đổi chiến lược đầu tư có chọn lọc hơn, vì tôi là nhà đầu tư giá trị và thị trường Việt Nam có nhiều nét giống Thái Lan 20 năm về trước, khi tôi bắt đầu hành trình đầu tư của mình.

Về điểm khác nhau giữa 2 thị trường, hiện nay P/E của Việt Nam ở mức 14, trong khi Thái Lan là 16. Là thị trường cận biên nên Việt Nam có nhiều doanh nghiệp định giá thấp hơn hẳn so với Thái Lan, những doanh nghiệp lớn của Việt Nam, với mức vốn hóa 500 triệu USD mới ngang ngửa một chuỗi spa tầm trung của Thái.

Tôi đang tích cực kêu gọi các nhà đầu tư Thái Lan rót vốn vào thị trường Việt Nam ngay bây giờ, để không bỏ lỡ cơ hội khi cổ phiếu còn rẻ và tiềm năng tăng trưởng của thị trường lớn.

 Chuỗi siêu thị BigC Việt Nam đã về tay người Thái

Rất nhiều tập đoàn Thái Lan như Berli Jucker, SCG hay Central Group đã dồn dập mua lại các doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, làn sóng này có ảnh hưởng ra sao đến các nhà đầu tư tài chính tại Thái Lan?

Các tập đoàn Thái Lan đã chủ động đi trước trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam, thông qua việc mua bán và sáp nhập (M&A) hàng loạt doanh nghiệp Việt. Sở dĩ nhiều tập đoàn Thái có khả năng “càn quét” như vậy là vì họ có nguồn tiền giá rẻ dồi dào, được tung ra thị trường nhờ chính sách lãi suất thấp kỉ lục mà Ngân hàng Trung ương Thái Lan áp dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khi có nguồn tiền lớn trong tay, các doanh nghiệp Thái tất nhiên sẽ tìm đến các thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam để đầu tư. Trong khi nền kinh tế Thái đang chững lại với mức tăng trưởng GDP thấp hơn 3% và dân số đang già hóa, Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5 – 6% hàng năm, tầng lớp trung lưu – những khách hàng tiêu dùng tiềm năng cũng ngày càng gia tăng.

M&A là cách nhanh nhất để doanh nghiệp Thái Lan thâm nhập thị trường Việt Nam. Các nhà đầu tư tài chính cũng nhận ra điều này và đang dần theo bước các doanh nghiệp đồng hương. Theo tôi quan sát, tương tự như các nhà đầu tư chiến lược, đa phần nhà đầu tư tài chính Thái Lan khá yêu thích cổ phiếu ngành tiêu dùng, bán lẻ và hạ tầng tại Việt Nam.

Ông có thể chia sẻ về những khó khăn mà nhà đầu tư tài chính Thái Lan thường gặp phải tại thị trường Việt Nam?

Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu về mảng quản trị công ty. Tại Thái Lan, những doanh nghiệp lớn đều là công ty tư nhân do các tỷ phú thành lập và điều hành, họ buộc phải minh bạch thông tin để gọi vốn. Còn tại Việt Nam, nhiều cái tên lớn trên sàn chứng khoán là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, phần vốn Nhà nước nắm giữ còn lớn, lãnh đạo doanh nghiệp chưa quen với các tiêu chuẩn quản trị công ty hiện đại và chưa cởi mở với nhà đầu tư bên ngoài.

Để nâng cáo tính minh bạch của thị trường, các thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc doanh nghiệp tại Thái Lan đều phải tham gia học viện đào tạo về quản trị công ty. Tôi nghĩ Việt Nam nên thành lập một cơ sở đào tạo tương tự để giúp lãnh đạo doanh nghiệp làm quen với thông lệ quốc tế về quản trị.

Ngoài ra, các nhà đầu tư Thái Lan gặp vướng mắc khi doanh nghiệp Việt Nam ít công bố thông tin bằng tiếng Anh trực tiếp đến nhà đầu tư, để công ty chứng khoán làm thay mình. Nếu doanh nghiệp muốn thu hút vốn nước ngoài, việc chủ động cập nhật thông tin bằng tiếng Anh là điều cần làm.

Bên cạnh đó, vấn đề room ngoại cũng là rào cản, khi mà phần lớn các doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa nới trần sở hữu nước ngoài dù đã được “mở đường” từ cả năm trước.

Nam Phương thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục