Vốn ngoại “săn” mua doanh nghiệp lớn

(ĐTCK) Thông tin Fraser & Neave, Hãng đồ uống thuộc sở hữu của đại gia Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi muốn thâu tóm Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang khiến thị trường dậy sóng. 1 năm gần đây, thị trường M&A chứng kiến nhiều thương vụ lớn khi khối ngoại mua các DN tầm cỡ nội địa và xu hướng này dường như ngày càng mạnh mẽ hơn.
Vốn ngoại “săn” mua doanh nghiệp lớn

Xuất hiện những thương vụ M&A tỷ USD

Cuối năm 2015, thông tin về thương vụ có tổng giá trị lên đến 1,1 tỷ USD giữa Masan và Singha, trong đó Singha mua để sở hữu 25% vốn cổ phần của Masan Consumer Holdings (công ty về hàng tiêu dùng của Masan) và 33,3% vốn cổ phần Masan Brewery (chuyên lĩnh vực đồ uống) đã khiến thị trường bất ngờ.

Dù luôn là đơn vị tiên phong trong những thương vụ M&A lớn với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng quy mô 1,1 tỷ USD giá trị thương vụ là con số mà rất nhiều doanh nghiệp trong nước mơ ước.

Trong lĩnh vực phân phối, thương vụ nổi bật 6 tháng đầu năm nay là Central Group của Thái Lan mua lại hệ thống siêu thị BigC từ tay Tập đoàn Casino (Pháp) vào cuối tháng 4/2016 với giá 1,05 tỷ USD. Thương vụ đã tốn không ít giấy mực của báo chí, nhất là câu chuyện liên quan đến khoản thuế phải nộp từ giao dịch này.

Trước đó, Central Group tham gia vào hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, với việc một công ty con là Power Buy mua lại 49% vốn của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Thương vụ này không được công bố chi tiết, nhưng được cho biết định giá Nguyễn Kim khoảng 200 triệu USD, tương đương thương vụ khoảng 100 triệu USD.

Ngay đầu tháng 7 vừa qua, một công ty dược của Nhật Bản là Taisho đã chi khoảng 2.200 tỷ đồng để mua hơn 24% vốn điều lệ của CTCP Dược Hậu Giang, tương đương mức định giá Dược Hậu Giang vào khoảng 9.000 tỷ đồng. Cùng khoảng thời gian này, Vietnam Airlines cũng đạt được thỏa thuận chính thức với ANA Holdings, trong đó đối tác này sẽ mua 8,771% cổ phần của Vietnam Airlines với tổng giá trị xấp xỉ 109 triệu USD. Với giá mua này, định giá Vietnam Airlines sẽ ở mức trên 1,24 tỷ USD.

Trên thị trường bất động sản, thông tin gây bất ngờ và đang được dư luận chú ý khi Mitsubishi công bố việc tham gia lập liên doanh với Bitexco để phát triển The Manor Central Park (Hoàng Mai, Hà Nội). Trong liên doanh này, Mitsubishi sở hữu 45%, với số vốn góp đầu tư giai đoạn đầu của dự án mà đối tác này dự chi khoảng 285 triệu USD. The Manor Central Park là dự án đã được biết đến từ lâu của Bitexco, và việc lập liên doanh này có thể được hiểu là, Bitexco đã nhượng lại 1 phần quyền phát triển, khai thác dự án này cho nhà đầu tư đến từ Nhật Bản nói trên. 

“Đại gia” nước ngoài nhòm ngó DN lớn

Ngoài hàng loạt thương vụ có tên tuổi đã được lộ diện, hiện nay, các nhà đầu tư ngoại vẫn đang tích cực mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực dược, thực phẩm, đồ uống, phân phối, viễn thông, bất động sản và tài chính - ngân hàng….

Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn ngành dược phẩm đều có sự tham gia hoặc đang đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong đó, một số doanh nghiệp hiện đã cơ bản hoàn tất đàm phán với đối tác ngoại.

"Tôi không hiểu sao, khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, họ dường như chưa đủ lạc quan, thậm chí hơi thận trọng"

- Nhà môi giới đầu tư Thái Lan.

Đối với lĩnh vực đồ uống, ngoài 2 ông lớn là Habeco và Sabeco đã được các đối tác ngoại ngỏ ý xin mua từ lâu, những doanh nghiệp có tên tuổi ở những phân khúc nhỏ hơn cũng được khối ngoại quan tâm đặc biệt.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, nhà môi giới đầu tư Thái Lan đánh giá, Việt Nam có những điều kiện tuyệt vời để sẵn sàng tăng trưởng mạnh sắp tới.

“Tôi không hiểu sao, khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, họ dường như chưa đủ lạc quan, thậm chí hơi thận trọng. Việt Nam có dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ nhu yếu phẩm cao, chính trị - xã hội ổn định và đặc biệt là còn rất “hoang sơ” về nguồn cung. Các tỷ phú Thái Lan đạt được thành công như ngày hôm nay khi họ xuất phát trong bối cảnh khó khăn hơn rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tôi tin là Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn không chỉ của nhà đầu tư từ Thái Lan, mà còn hàng loạt quốc gia khác nữa”, chuyên gia người Thái Lan nói. Nhà môi giới này tiết lộ, ông đang tìm kiếm cơ hội giới thiệu một số DN tại Việt Nam theo đơn đặt hàng của một số khách VIP tại Singapore.

Tại một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ thông tin tại Singapore, một chuyên viên ở đây cho biết, trung bình mỗi tháng, vị này nhận được khoảng 10 đơn đặt hàng cung cấp thông tin nghiên cứu về các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Dù khoảng cách giữa nghiên cứu ban đầu đến tiếp cận và hoàn thành thương vụ là rất xa, thậm chí nhiều trường hợp không đi đến bước hai, nhưng số đơn đặt hàng đang tăng lên cho thấy sức hút của các doanh nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại đang tăng lên tương xứng. Cũng theo chuyên viên này, các doanh nghiệp được khối ngoại quan tâm khá đa dạng, nhưng tập trung ở 3 mảng lớn là tài chính -ngân hàng, bất động sản và nhóm phân phối, sản xuất hàng tiêu dùng.

Sự tranh chấp quyết liệt giữa nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc - CJ với các nhà đầu tư thuộc nhóm Masan trong quá trình thoái vốn nhà nước tại Vissan tiếp tục là một minh chứng về sức hấp dẫn của ngành này tại Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại. Thứ mà các doanh nghiệp nước ngoài muốn khi nhìn vào Việt Nam chính là sức cầu lớn mà Việt Nam đang có.

Trong bối cảnh nhiều đại gia Việt có xu hướng bỏ qua một khoản đầu tư có tỷ suất thu hồi nội bộ dưới 8% thì với các nhà đầu tư ngoại, mức lợi nhuận 4 - 5% trên vốn đầu tư đã được coi là đủ hấp dẫn. Có lẽ, điều đó một phần tạo nên sự khác biệt trong đánh giá cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Khi thâu tóm là con đường ngắn nhất để phát triển mạng lưới phân phối, để cái tên nhà đầu tư ngoại dễ dàng được chấp nhận hơn trong mắt người tiêu dùng nội, những doanh nghiệp trong nước có vị thế thị trường lớn, có thể chưa tạo ra nhiều lợi nhuận chính là những đích mà khối ngoại nhắm tới và sẵn sàng trả giá cao. 

Minh bạch và tuân thủ luật pháp mới có cơ hội hút vốn ngoại

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên viên cấp dịch vụ thông tin theo yêu cầu khách hàng tại Singapore cho biết, ngoài việc có nền tảng kinh doanh tốt, hấp dẫn, thì có 2 điểm các doanh nghiệp Việt Nam cần làm để kéo nhà đầu tư ngoại đến gần mình hơn.

Trước hết, đó là minh bạch thông tin. Nhà đầu tư ngoại đặt yếu tố minh bạch thông tin trong quản trị, điều hành doanh nghiệp lên hàng đầu. Khi doanh nghiệp không thể minh bạch, sẽ rất khó để đưa ra báo cáo đánh giá giá trị doanh nghiệp và thương vụ có thể bị tắc ngay ở khâu đầu.

Thứ hai, lý lịch “đẹp”. Một câu hỏi mà các nhà đầu tư nước ngoài luôn hỏi trước khi bắt tay vào đàm phán với các doanh nghiệp là: doanh nghiệp này đã từng có gian lận hay vướng các vấn đề pháp lý chưa? Ông chủ của doanh nghiệp (nếu sở hữu bởi gia đình -  mà thường là như vậy với những tập đoàn tư nhân lớn) có từng vướng các vấn đề pháp lý? Thực tế, nửa đầu năm nay, một nhà đầu tư nước ngoài dù rất thích tham gia đầu tư vào một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, nhưng trước những tin đồn nghi vấn gian lận của ông chủ, nhà đầu tư này quyết định dừng mọi việc hợp tác.

Hoàng Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ