Vốn ngoại chảy mạnh vào doanh nghiệp ngoài sàn

(ĐTCK) Số liệu thống kê về tình hình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp ngoài sàn được công bố mới đây đã cho thấy, giới đầu tư nước ngoài đang có xu hướng rót vốn ngày một nhiều vào các doanh nghiệp chưa niêm yết.
Vốn ngoại chảy mạnh vào doanh nghiệp ngoài sàn

Minh bạch thông tin hàng tháng

Để cung cấp cho các bên quan tâm bức tranh tổng thể về hoạt động đầu tư nước ngoài vào các DN ngoài sàn, trong tháng 7/2016, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công khai thông tin về tình hình đầu tư nước ngoài theo hình góp vốn, mua cổ phần theo 2 nhóm:

Thứ nhất là hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ góp vốn trên 50% hoặc trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Theo đó, tính từ ngày 1/7/2015 đến ngày 20/7/2016, đã có 1.709 DN, tổ chức kinh tế Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ góp vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, với tổng giá trị vốn góp là 1,894 tỷ USD.

7 tháng đầu năm nay, đã có 65 quốc gia, vùng lãnh thổ có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần. Trong đó, Singapore dẫn đầu với 107 dự án, tổng giá trị vốn góp là 488,4 triệu USD (chiếm 32,3% tổng số vốn góp), tiếp đến là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…

    (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài)

Riêng trong 7 tháng năm 2016, có 1.284 DN, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp là hơn 1,5 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 33 DN, tổng giá trị vốn góp 350,1 triệu USD (chiếm 23,1% tổng giá trị vốn góp), tiếp đến là các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ; vận tải hành khách hàng không; sản xuất sản phẩm từ nhựa...

Thứ hai, tính từ ngày 1/7/2015 đến cuối tháng 7/2016, cả nước có 1.432 DN, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tỷ lệ góp vốn nhỏ hơn 50%, với tổng giá trị vốn góp hơn 1 tỷ USD.

Tính chung cả hai nhóm trên, đã có 3.141 DN có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn hơn 2,9 tỷ USD.

“Bắt đầu từ tháng 7/2016 trở đi, chúng tôi sẽ định kỳ hàng tháng công bố thông tin về tình hình góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN Việt Nam bên cạnh thông tin về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài…”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nói và cho biết thêm, các thông tin này sẽ được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tại địa chỉ: www.dautunuocngoai.gov.vn. Việc công khai thông tin này được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Vốn ngoại vào Doanh nghiệp ngoài sàn ngày một tăng

Nhìn nhận về xu hướng dòng vốn ngoại chảy vào các DN ngoài sàn, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trước đây, không có số liệu chính thức về mảng đầu tư thông qua hình thức nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần tại các DN Việt Nam, nên không nắm được diễn biến của dòng vốn này một cách tổng thể. Tuy nhiên, tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, đến nay các thông tin này được cập nhật định kỳ hàng tháng, nên qua theo dõi trong vòng một năm trở lại đây cho thấy ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài rót vốn mua cổ phần, phần vốn góp vào các DN Việt Nam ngoài sàn.

Giải đáp thắc mắc dòng vốn ngoại chảy vào các DN ngoài sàn theo con đường nào, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tỷ lệ góp vốn trên 50% hoặc trong lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì theo quy định của Luật Đầu tư, trước khi làm thủ tục góp vốn, họ phải làm thủ tục chấp thuận về góp vốn tại cơ quan đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh).

Sau khi được cơ quan này cấp thông báo chấp thuận việc góp vốn, nhà đầu tư nước ngoài tiến hành điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tỷ lệ góp vốn dưới 50% thì theo quy định hiện hành, họ chỉ phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các thành viên góp vốn vào DN.

Từ bước tiến mới về công khai thông tin về diễn biến dòng vốn ngoại đầu tư vào các DN ngoài sàn, có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nên tính đến định kỳ minh bạch số liệu về diễn biến dòng vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vào Việt Nam thông qua thị trường chứng khoán, để giúp thị trường, giới đầu tư có cái nhìn toàn cảnh về dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam, trên cơ sở đó giúp họ có thêm thông tin trong quá trình đầu tư.   

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục