Thu hút vốn ngoại, nới room là chưa đủ

(ĐTCK) Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2015 cho phép các doanh nghiệp đại chúng không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện được nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% so với mức 49% trước đó. Tuy nhiên, việc nới room sẽ không tạo sức bật nếu không có thêm các giải pháp khác.
Thu hút vốn ngoại, nới room là chưa đủ

Chính sách nới room được kỳ vọng sẽ giúp NĐT trong và ngoài nước tích cực tham gia TTCK, qua đó, cải thiện tính thanh khoản, có thêm nhiều DN lên niêm yết, góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước, cũng như thoái vốn nhà nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu ứng của chính sách này chủ yếu là giúp cổ phiếu của một số DN đã nới room tăng giá như SSI, VHC, EVE, VNM; bên cạnh đó là cổ phiếu của những DN đã trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2016 nội dung mở room lên 100% như CII, AAA, HPG, DMC, BMP. 

Cần sớm nâng hạng thị trường

Nhìn chung, nới room mới chỉ có ý nghĩa với những cổ phiếu đã hết room 49% theo quy định cũ, còn lại đa phần cổ phiếu khác đang “hở” room (tỷ lệ sở hữu của khối ngoại rất thấp) và việc DN trình ĐHĐCĐ nội dung mở room tối đa thường là chuẩn bị cho tương lai hoặc tạo kỳ vọng, sự hấp dẫn với cổ phiếu nhờ “ăn theo” câu chuyện mở room.

Bản thân dòng tiền vào những cổ phiếu nới room cũng có sự phân hóa, thậm chí có những phiên bán ròng. Có lẽ, do thị trường kỳ vọng vào việc mở room nên giá cổ phiếu tăng mạnh, khiến một bộ phận NĐT nước ngoài bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận.

Thực tế, chính sách nới room chưa thực sự lan tỏa toàn thị trường, mà chỉ ở một số DN nhất định, bản thân DN cũng phải tìm cách đáp ứng các quy định để có thể mở room tối đa, chẳng hạn giảm ngành nghề kinh doanh khi ngành nghề đó thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thực tế cho thấy, ngoài các DN đầu ngành thì rất nhiều DN khác gần như không nhận được sự quan tâm của khối ngoại. Mặt khác, số lượng NĐT nước ngoài, nhất là NĐT tổ chức cũng như dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam còn khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do quy mô thị trường chưa đủ lớn, thanh khoản chưa cao, đặc biệt là việc tiếp cận thị trường của NĐT nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thu hút vốn ngoại, nới room là chưa đủ ảnh 1

Bên cạnh nhóm tiêu chí “quy mô và thanh khoản” thì “tiếp cận thị trường” là nhóm tiêu chí chính đánh giá TTCK của Công ty Morgan Stanley Capital International (MSCI), trong đó các tiêu chí như: mức độ mở cửa cho NĐT nước ngoài, mức độ dễ dàng luân chuyển vốn vào/ra, mức độ hiệu quả của hệ thống hoạt động, môi trường cạnh tranh phải đảm bảo ở mức tốt. Trong khi đó, nhiều yếu tố của TTCK Việt Nam đang được MSCI đánh giá là “cần phải cải thiện” để có thể nâng hạng từ “thị trường cận biên/sơ khai” lên “thị trường mới nổi”.

… Kiên quyết thoái vốn của cổ đông nhà nước

Không ít DN được NĐT nước ngoài quan tâm, mong chờ DN nới room để gia tăng tỷ lệ sở hữu, nhưng DN lại chưa có nhu cầu/chưa có kế hoạch nới room, hoặc có lĩnh vực hoạt động thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: DHG, FPT, MWG, TRA. Đáng chú ý, tại những DN có kế hoạch mở room như BMP, DMC… thì tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước còn khá cao, khiến có nới khối ngoại cũng khó tăng tỷ lệ đầu tư.

Thực tế, các NĐT chiến lược nước ngoài thường mong muốn sở hữu tỷ lệ cổ phần đủ lớn để tham gia Hội đồng quản trị hoặc có tiếng nói trọng lượng trong các quyết định liên quan đến chiến lược hoạt động của DN, thực sự có vai trò chiến lược trong DN. Vì thế, DN nói riêng, TTCK Việt Nam nói chung sẽ không thể tạo nên sức hấp dẫn vốn ngoại nếu nới room không đi kèm với lộ trình thoái vốn cụ thể của cổ đông nhà nước.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục