Vượt qua tình trạng thanh khoản giảm

(ĐTCK) Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu giảm khoảng 30%, nhưng theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó đoán định. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Ông Dũng tin rằng, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và quyết tâm cải cách của Ðảng, Chính phủ vẫn là yếu tố cốt lõi giúp TTCK phát triển ổn định trong dài hạn.

Tính đến ngày 31/10/2019, quy mô của TTCK Việt Nam tăng 14,3%, tương đương 84,8% GDP. Tổng mức huy động vốn đạt 225,5 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường trái phiếu chính phủ cũng có những bước phát triển với quy mô đạt 27,9% GDP, trong đó quy mô niêm yết đạt 20,9% GDP.

Trong 10 tháng, Chính phủ đã huy động được 178 nghìn tỷ đồng trái phiếu, với kỳ hạn bình quân đạt 13,5 năm, cao nhất từ trước đến nay.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã bắt đầu phát triển với tốc độ nhanh từ mức 2,47% năm 2012 lên 10,4% GDP.

Trên TTCK phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân tăng 17%, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tăng 46% so với cuối năm 2018. Tổng số lượng hợp đồng mở là 20.641 hợp đồng, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.

Trong bối cảnh một số TTCK trong khu vực bị rút vốn ròng thì TTCK Việt Nam vẫn thu hút được dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê cho biết, 10 tháng đầu năm, khối ngoại mua ròng 9.401 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và 14.388 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.

Bức tranh TTCK 10 tháng qua cho thấy, dù chịu nhiều tác động từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, kinh tế thế giới có dấu hiệu chậm lại, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở nhiều khu vực…, nhưng TTCK Việt Nam về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định so với TTCK nhiều nước trong khu vực và đạt được những kết quả nhất định.

Riêng chỉ tiêu thanh khoản thì có sự suy giảm khá mạnh, mức giảm 30% đã và đang ảnh hưởng đến nhiều chủ thể trên TTCK, nhất là các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư.

Làm thế nào để vượt qua hiện trạng này là câu hỏi mà ngành chứng khoán cần có đáp án. Nhất là trong bối cảnh năm 2020 là năm ngành phải hoàn thành hàng loạt mục tiêu lớn được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong Chiến lược Phát triển thị trường 2020-2025.

Bên cạnh niềm tin, TTCK sẽ tăng trưởng cùng nhịp với tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời với việc Quốc hội, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp vĩ mô như làm mới Luật Chứng khoán, hợp nhất Sở GDCK Việt Nam..., thông tin đáng chú ý và đáng chờ đợi đó là khả năng giao dịch T+0 sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Chia sẻ với các thành viên cuối tuần qua, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Sơn cho biết, VSD đang nghiên cứu để triển khai hàng loạt giao dịch mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán chờ về, pre-funding trên nền tảng hệ thống công nghệ mới của thị trường.

Cũng theo ông Sơn, VSD sẽ phối hợp với cơ quan quản lý, các thành viên thị trường và các tổ chức có liên quan sớm bổ sung sửa đổi các văn bản pháp lý liên quan đến các giao dịch mới, nhằm giảm thiểu rủi ro đồng thời tạo điều kiện để thị trường nâng hạng.

Một điểm đáng chờ đợi của năm 2020 là sự ra đời của loại hình quỹ hưu trí tự nguyện, loại quỹ được kỳ vọng sẽ thu hút các nguồn đóng góp ổn định, dài hạn từ các doanh nghiệp, người lao động trong doanh nghiệp… để đầu tư trên thị trường tài chính.

Khi có thêm các nguồn tiền nhàn rỗi từ quỹ hưu trí cũng như các quỹ ETF mới chảy vào đầu tư bên cạnh các dòng vốn quốc tế, sức cầu trên TTCK Việt Nam có cơ hội cải thiện. Hy vọng khi hệ thống giao dịch được làm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đầu tư, phòng vệ rủi ro của các chủ thể, thanh khoản sẽ không còn là “nốt trầm”, là điểm yếu của thị trường, kể từ năm 2020.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục