Thanh khoản giảm mạnh, bình thường hay bất thường?

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán những phiên đầu tháng 9 ghi nhận sự sụt giảm mạnh về thanh khoản và điểm số có diễn biến đi xuống. Đây là rủi ro nhưng cũng là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy các cổ phiếu tốt.
Dòng tiền thường dồn dập đổ vào thị trường khi thấy cơ hội và rút ra khi rủi ro tăng lên. Dòng tiền thường dồn dập đổ vào thị trường khi thấy cơ hội và rút ra khi rủi ro tăng lên.

Thanh khoản tháng 9 ở mức thấp nhất từ đầu năm

Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 10/9 tại 970,26 điểm, VN-Index đã đánh mất 1,4% điểm số trong hơn 1 tuần giao dịch đầu tháng 9. Mức giảm này không mạnh khi mà trong hơn 1 năm trở lại đây, việc VN-Index biến động từ 10 - 20 điểm trong một phiên là không hiếm gặp.

Tuy nhiên, biến động điểm số đầu tháng 9 có thể chưa phản ánh hết diễn biến tiêu cực của thị trường chung.

Ðơn cử, trong phiên 10/9, VN-Index chỉ giảm gần 3,9 điểm (-0,4%), nhưng giao dịch chung ảm đạm hơn nhiều với 201 mã trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đóng cửa trong sắc đỏ, gần gấp đôi số mã tăng giá (107 mã).

Trong danh mục VN30, có đến 21/30 cổ phiếu giảm giá, trong đó PNJ, BVH, MWG, SAB giảm trên 1%.

Ðáng chú ý, thanh khoản thị trường tiếp tục giảm. Thống kê giao dịch trên HOSE, nếu như khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân trong tháng 8/2019 đạt 133,5 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch bình quân 2.973 tỷ đồng/phiên thì trong 6 phiên giao dịch đầu tháng 9, khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân chỉ đạt 113 triệu đơn vị và 2.323,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 14,9% và 21,8%.

Trước đó, số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, giá trị giao dịch bình quân 7 tháng đầu năm 2019 giảm 40% so với cùng kỳ năm 2018. Bức tranh thanh khoản cũng phản ánh rõ qua kết quả doanh thu mảng môi giới của khối công ty chứng khoán trong nửa đầu năm nay giảm từ 40 - 60% so với cùng kỳ.

Một số yếu tố sau được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thanh khoản trên thị trường cổ phiếu sụt giảm.

Thứ nhất là sự bất ổn kinh tế chính trị thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, sự kiện Brexit, căng thẳng Mỹ - Iran…, khiến dòng tiền lo ngại thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên nên có động thái tìm đến các kênh đầu tư an toàn hơn.

Thứ hai, dòng vốn ngoại giảm mua ròng, thậm chí bán ròng mạnh 2 tháng trở lại đây, vừa ảnh hưởng đến cung cầu từng cổ phiếu, vừa tác động đến tâm lý khối nội khi không ít nhà đầu tư trong nước có xu hướng nhìn vào dòng vốn ngoại để đầu tư, qua đó tác động đến thị giá và thanh khoản.

Thứ ba, sau giai đoạn tăng điểm trong năm 2017 và quý I/2018, thị trường bước vào giai đoạn giảm giá khiến dòng tiền đầu cơ, lướt sóng - vốn là yếu tố chính tạo thanh khoản, dần dần “hạ nhiệt”.

Thứ tư, một số sản phẩm đầu tư có cơ hội thu lời cao như chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm, đặc biệt là sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp có lợi tức từ 10 - 15%/năm liên tục được chào bán và thu hút dòng tiền lớn.

Ðầu tháng 9, dòng tiền khối ngoại cân bằng hơn sau giai đoạn bán ròng, nhiều thị trường chứng khoán thế giới lấy lại đà tăng điểm, thì chỉ số VN-Index giảm và thanh khoản xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm khiến không ít nhà đầu tư tiếp tục có tâm lý thận trọng, hạn chế mua vào.

Cụ thể, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân từ mức hơn 2.400 tỷ đồng đầu tháng 9 đến phiên 6 và 9/9 chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương mức giao dịch của tháng 1/2019, là tháng có thanh khoản bình quân thấp nhất trong 9 tháng qua.

Trong phiên 10/9, tình trạng giảm giá diễn ra trên diện rộng, kích hoạt dòng tiền bắt đáy, nhưng giá trị khớp lệnh cũng chỉ đạt 2.721 tỷ đồng, thấp hơn hầu hết các phiên giao dịch tháng trước.

Sự mất kiên nhẫn của nhà đầu tư kết hợp với áp lực giải chấp ký quỹ (margin) do thị giá cổ phiếu giảm khiến khả năng thị trường hồi phục trong ngắn hạn được đánh giá không cao. Có những ý kiến nhận định, VN-Index có thể giảm về mức 940 - 950 điểm đầu tháng 6, thậm chí quay trở lại 900 điểm hồi đầu năm.

Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE từ tháng 1/2018 đến nay.

Ði tìm điểm tựa cho thị trường

Ít có kênh đầu tư nào mà dòng vốn có thể luân chuyển nhanh như thị trường cổ phiếu. Hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng có thể giải ngân hoặc rút ra chỉ trong một vài phiên giao dịch.

Tính thanh khoản cao làm tăng sức hấp dẫn của thị trường, nhưng cũng khiến giá cổ phiếu thường xuyên biến động nhanh và mạnh, tạo ra cơ hội cũng như rủi ro cho các nhà đầu tư.

Nhìn lại các số liệu thống kê, khi VN-Index ở vùng 1.170 điểm tháng 3/2007, giá trị giao dịch luôn đạt trên 1.000 tỷ đồng/phiên, có phiên lên đến 2.000 tỷ đồng, tăng 2 - 3 lần sau vài ba tháng.

Ðến ngày 24/2/2009, VN-Index giảm xuống 235,5 điểm, giá trị giao dịch chỉ còn 177 tỷ đồng. Gần 3 tháng sau, thị trường hồi phục, giá trị giao dịch trong tháng 4/2009 vượt mức 1.500 tỷ đồng, đến tháng 5/2009 vượt mức 2.000 tỷ đồng và đến tháng 8/2009 vượt qua mức 3.000 tỷ đồng.

Ðầu tháng 4/2018, VN-Index thiết lập mức đỉnh mới tại hơn 1.200 điểm, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 8.000 tỷ đồng/phiên. Vậy nhưng, trong tháng 5/2018, giá trị giao dịch xuống dưới 4.000 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm trên 50%.

Có thể thấy, dòng tiền vào thị trường luôn hiện hữu và tìm kiếm cơ hội sinh lời. Việc dòng tiền dồn dập đổ vào thị trường đẩy thanh khoản tăng trong giai đoạn mặt bằng giá cổ phiếu tích cực và rút ra khi rủi ro tăng lên là bình thường.

Ðây cũng chính là cơ sở để kỳ vọng, thanh khoản hiện nay ở mức thấp, nhưng dòng tiền có thể nhanh chóng quay trở lại nếu như tìm được điểm tựa. Hiện tại, thị trường bất động sản có tín hiệu hạ nhiệt; vàng và ngoại tệ tăng giá nhưng ẩn chứa rủi ro; kênh tiết kiệm, trái phiếu nhìn chung có mức sinh lời không cao.

Trong khi đó, kênh cổ phiếu vẫn tiềm ẩn nhiều cơ hội sinh lời lớn, thể hiện qua hàng trăm cổ phiếu có mức sinh lời 2 con số tính từ đầu năm đến nay.

Thực tế, nửa đầu tháng 9, thị trường bước vào “vùng trũng” thông tin hỗ trợ và chịu ảnh hưởng bởi kỳ tái cơ cấu danh mục quý III/2019 của 2 quỹ ETF ngoại là Market Vectors Vietnam ETF (V.N.M) và FTSE ETF do danh mục nắm giữ nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Trong nửa cuối tháng 9, kỳ vọng thị trường sẽ có các tin tức hỗ trợ như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 18 - 19/9.

Trước đó, thống kê của Bloomberg cho biết, tính từ đầu năm, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có 32 đợt giảm lãi suất.

Lãi suất giảm sẽ hỗ trợ cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, trong bối cảnh tỷ giá USD/VND vẫn đang khá ổn định, tạo niềm tin cho dòng vốn ngoại.

Ðặc biệt, nửa cuối tháng 9, thị trường sẽ đón nhận thông tin ước tính kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm. Kết quả này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn đầy đủ hơn về triển vọng kinh doanh cả năm.

Theo đó, những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng tốt nhưng cổ phiếu hiện có mức định giá thấp do thị giá chịu ảnh hưởng bởi thị trường chung tất yếu sẽ hấp dẫn hơn và thu hút được dòng tiền.

Tuy vậy, trong bối cảnh các ngành phân hóa, nhóm bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản đã lần lượt xuất hiện “sóng” trong vòng 1 năm qua; nhóm dầu khí, ngân hàng, bất động sản, xây dựng, phân bón, hóa chất chịu không ít sức ép từ biến động vĩ mô cũng như giá cả nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu, sẽ khó có thể kỳ vọng một đợt sóng ngành cùng tăng, cùng giảm.

Ðể tìm kiếm lợi nhuận, đòi hỏi nhà đầu tư sẽ phải nhận ra câu chuyện riêng và có niềm tin vào triển vọng của từng doanh nghiệp.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) đang huy động vốn cho 2 quỹ ETF dựa trên chỉ số Vietnam Diamond Index và Vietnam Capped Financial Index do HOSE xây dựng, với mục tiêu đầu tư vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, gần kín room ngoại, P/E thấp và các cổ phiếu ngành tài chính trên thị trường.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục