Những lo ngại về căng thẳng Nga - Ukraine khiến chứng khoán Âu, Mỹ chịu áp lực bán tháo cuối phiên cuối tuần trước sau khi Ukraine tuyên bố diệt một phần lớn xe thiết giáp của Nga xâm nhập lãnh thổ quốc gia này đã tạm thời lắng lại. Dù tình hình căng thẳng ở quốc gia Đông Âu này vẫn còn và nguy cơ chiến tranh chưa chấm dứt, nhưng nhà đầu tư vẫn bỏ qua và hy vọng nó sẽ không xảy ra. Cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng của 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức tại Thủ đô Berlin của Đức để tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine cũng khiến giới đầu tư tạm yên lòng.
Với tâm lý lo lắng được bỏ qua một bên, trong khi dữ liệu kinh tế mới được công bố khả quan và hoạt động mua bán sáp nhập nhộn nhịp, chứng khoán Mỹ đã có phiên hồi phục mạnh mẽ trong ngày đầu tuần. Trong đó, chỉ số Nasdaq leo lên đỉnh cao 14 năm, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2000, chỉ số này mới lại vượt qua 4.500 điểm.
Phố Wall chịu ảnh hưởng nhẹ của cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm mạnh, tuy nhiên, bù lại, cổ phiếu hàng không lại tăng mạnh khi giá nhiên liệu giảm.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Dow Jones tăng 175,83 điểm (+1,06%), lên 16.838,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 16,68 điểm (+0,85%), lên 1.971,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 43,39 điểm (+0,97%), lên 4.508,31 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng hồi mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới, trong đó, chứng khoán Đức lấy lại hết cả vốn lẫn lãi những gì đã mất sau những phút hoảng sợ thứ Sáu tuần trước. Các cổ phiếu bluechip trên thị trường chứng khoán Đức dễ bị tổn thương với tình hình căng thẳng Ukraine - Nga và những lệnh trừng phạt qua lại nhau giữa Nga và phương Tây. Do vậy, khi tình hình căng thẳng được giải quyết, nhất là cuộc họp 4 bên để tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine được tiến hành, chứng khoán Đức nhanh chóng hồi phục.
Bên cạnh đó, thông tin về việc Nga có thể sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu ô tô từ châu Âu bị bác bỏ cũng giúp nhóm cổ phiếu ngành này tăng mạnh trở lại, hỗ trợ cho chứng khoán Đức nói riêng và chứng khoán khu vực nói chung.
Bên cạnh đó, giới đầu tư châu Âu cũng đẩy mạnh mua vào với kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ sớm đưa ra gói kích tích kinh tế trong thời gian tới.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 52,17 điểm (+0,78%), lên 6.741,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 152,73 điểm (+1,68%), lên 9.245,33 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 56,29 điểm (+1,35%), lên 4.230,65 điểm.
Căng thẳng Ukraine đang được các bên tích cực tháo gỡ cũng giúp giới đầu tư châu Á yên lòng và giúp chứng khoán khu vực cũng có phiên tăng điểm đầu tuần.
Kết thúc phiên 18/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 4,26 điểm (+0,03%), lên 15.322,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 0,52 điểm (+0,00%), lên 24.955,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 12,73 điểm (+0,57%), lên 2.239,47 điểm.
Dĩ nhiên, những lo ngại về căng thẳng địa chính trị dần được tháo gỡ nên giá vàng không có lý do để đi lên. Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế tích cực của kinh tế Mỹ vừa công bố và đồng USD tăng giá trở lại cũng gây áp lực lên giá vàng, khiến giá kim loại quý này tiếp tục giảm trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 18/8, giá vàng giao ngay giảm 7,3 USD (-0,56%), xuống 1.297,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 6,9 USD (-0,53%), xuống 1.299,3 USD/ounce.
Sau khi hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần trước do căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, giá dầu đã lao dốc mạnh trở lại trong phiên đầu tuần mới khi lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq phản công trở lại phiên quân Nhà nước Hồi giáo, trong khi sản lượng khai thác và xuất khẩu của Lybia tăng mạnh. Trong đó, giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất 1 năm.
Kết thúc phiên 18/8, giá dầu thô Mỹ giảm 0,94 USD (-0,97%), xuống 96,41 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,93 USD (-1,86%), xuống 101,60 USD/thùng.