Putin hạ giọng, giới đầu tư Âu, Mỹ phấn khởi

(ĐTCK) Sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, giới đầu tư chứng khoán toàn cầu thở phào nhẹ nhõm, giúp chứng khoán Âu, Mỹ tăng điểm và chặn đà tăng của giá vàng. Trong khi đó, giá dầu thô lao dốc khi kinh tế châu Âu yếu kém.
Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm - Ảnh: Reuters Phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm - Ảnh: Reuters

Phát biểu ngày 14/8 trong chuyến tham Crime, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước Nga luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ lợi ích của mình, nhưng không phải trả giá bằng sự đối đầu với phần còn lại của thế giới. Tuyên bố này được coi là một tín hiệu tìm kiếm sự hòa giải với phương Tây sau nhiều tháng quan hệ giữa Nga và châu Âu căng thẳng leo thang vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, dẫn đến các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau khiến cả 2 bên có thể thiệt hại nặng nề.

Tổng thống Nga cũng cho biết, Nga sẽ sẽ làm mọi thứ trong quyền hạn để ngăn chặn xung đột ở miền đông Ukraine đang diễn ra giữa các phần tử ly khai thân Nga và các lực lượng vũ trang Ukraine.

Dù vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ về phát biểu này của ông Putin và cho rằng, Nga đang âm mưu “xâm lược trực tiếp” Ukraine. Tuy nhiên, giới đầu tư chứng khoán toàn cầu lại cho đây là một tín hiệu tích cực, làm giảm đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây gây hậu quả tiêu cực lên các nền kinh tế.

Vì vậy, giới đầu tư chứng khoán Âu, Mỹ đã tích cực giải ngân, giúp phố Wall tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 2, bất chấp dữ liệu bán lẻ đáng thất vọng được công bố trước đó, cũng như sự sụt giảm của cổ phiếu năng lượng do giá dầu lao dốc.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Dow Jones tăng 61,78 điểm (+0,37%), lên 16.713,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,46 điểm (+0,43%), lên 1.955,18 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 18,88 điểm (+0,43%), lên 4.453,00 điểm.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, phát biểu của ông Putin cũng làm giới đầu tư châu Âu yên lòng, bất chấp dữ liệu kinh tế của Đức và Pháp không mấy khả quan.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng, với những dữ liệu kinh tế kém khả quan của 2 nền kinh tế lớn của châu Âu được công bố, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa ra gói kích thích kinh tế trong thời gian ngắn sắp tới. Đây cũng chính là lý do để nhà đầu tư châu Âu giải ngân để đón đầu thông tin.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,58 điểm (+0,43%), lên 6.685,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 26,22 điểm (+0,29%), lên 9.225,10 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 10,80 điểm (+0,26%), lên 4.205,59 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng điểm thứ tư liên tiếp với thông tin về Quỹ hưu trí quốc gia đổ tiền vào chứng khoán, cũng như tình hình căng thẳng giữa Nga và phương Tây dịu đi sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước Quốc hội Crime.

Chứng khoán Nhật Bản đã hồi phục trở lại trong tuần này sau tuần sụt giảm mạnh trước đó do lực bán của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Nhật Bản đã bán ròng 813,1 tỷ yên (tương đương 7,94 tỷ USD) trên thị trường tương lai và 475,1 tỷ yên trên thị trường chứng khoán, mức bán mạnh nhất kể từ tuần 10-14/3 và kiến Nikkei giảm 4,8% trong tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 4.

Trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục hồi phục, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kồng lại giảm điểm, trong đó, chứng khoán Trung Quốc có phiên điều chỉnh khá mạnh.

Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 100,94 điểm (+0,66%), lên 15.314,57 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 88,98 điểm (-0,36%), xuống 24.801,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 16,41 điểm (-0,74%), xuống 2.206,47 điểm.

Những thông tin kinh tế không khả quan từ châu Âu giúp giá vàng tăng khá tốt trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu, sau đó tăng vọt khi bước vào phiên giao dịch Mỹ với dữ liệu bán lẻ kém khả quan của Mỹ được công bố trước đó. Tuy nhiên, sau bài phát biểu của ông Putin, giới đầu tư đã bán kim loại quý này ra để chuyển sang chứng khoán, khiến giá vàng nhanh chóng hạ nhiệt trở lại và đi ngang quanh mức đóng cửa của phiên trước đó.

Kết thúc phiên 14/8, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD (+0,05%), lên 1.312,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 1,2 USD (+0,09%), lên 1.315,7 USD/ounce.

Trong khi đó, trên thị trường nhiên liệu, giá dầu thô bất ngờ lao mạnh sau phiên phục hồi nhẹ trước đó. Cả giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent đều sụt giảm hơn 2% trong phiên 14/8 do chịu tác động từ sự yếu kém của kinh tế châu Âu khi kinh tế Đức sụt giảm trong quý II, trong khi Pháp giảm dự báo tăng trưởng của mình. Trong khi đó, bất chấp cuộc xung đột gia tăng ở Iraq và Lybia, nguồn cung vẫn được đảm bảo và không bị gián đoạn.

Kết thúc phiên 14/8, giá dầu thô Mỹ giảm 2,01 USD (-2,10%), xuống 95,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,27 USD (-2,23%), xuống 102,01 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục