Cổ phiếu công nghệ sinh học kéo phố Wall về quỹ đạo tăng

(ĐTCK) Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học đã lấn át dữ liệu bán lẻ tiêu cực để giúp phố Wall hồi phục trở lại, trong đó Dow Jones trở lại vùng giá tích cực của năm 2014.
Phố Wall nhanh chóng hồi phục trở lại sau phiên giảm nhẹ trước đó nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu công nghệ sinh học - Ảnh: Reuters Phố Wall nhanh chóng hồi phục trở lại sau phiên giảm nhẹ trước đó nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu công nghệ sinh học - Ảnh: Reuters
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, doanh số bán lẻ bất ngờ bị đình trệ trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng Giêng. Báo cáo này khiến nhóm cổ phiếu bán lẻ sụt giảm trong phiên 13/8.

Tuy nhiên, đà giảm của nhóm cổ phiếu bán lẻ chỉ làm cản trở chút ít đà tăng của phố Wall trong phiên 13/8, bởi phố Wall được hỗ trợ tích cực nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học.

Ngoài ra, dữ liệu bán lẻ thất vọng vừa công bố cũng khiến giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ không tăng lãi suất sớm, nên mạnh dạn mua vào, giúp phố Wall tăng mạnh trong phiên 13/8, trong đó, Dow Jones đã trở lại vùng giá tích cực của năm 2014.

Bên cạnh đó, căng thẳng giảm bớt giữa Nga và Ukraine cũng khiến giới đầu tư phần nào nhẹ nhõm

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Dow Jones tăng 91,26 điểm (+0,55%), lên 16.651,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,97 điểm (+0,67%), lên 1.946,72 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,88 điểm (+1,02%), lên 4.434,12 điểm.

Cũng giống chứng khoán Mỹ, những thông tin dễ chịu từ biên giới Nga - Ukraine và sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ cũng giúp chứng khoán châu Âu hồi phục tốt trong phiên 13/8.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 24,26 điểm (+0,37%), lên 6.656,68 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 129,41 điểm (+1,43%), lên 9.198,88 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 23,88 điểm (+0,57%), lên 4.194,79 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục có phiên tăng điểm, trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 3 liên tiếp khi giới đầu tư kỳ vọng vào Quỹ hưu trí khổng lồ của nước này giải ngân vào cổ phiếu, cùng mối lo về căng thẳng địa chính trị tạm qua. Kinh tế Nhật Bản vừa được công bố có sự sụt giảm 6,8% theo năm trong quý II, mức giảm mạnh nhất kể từ trận động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011. Tuy nhiên, mức sụt giảm này đã nằm trong dự đoán trước đó, nên ít có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 13/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 52,32 điểm (+0,35%), lên 15.213,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 200,93 điểm (+0,81%), lên 24.890,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 1,28 điểm (+0,06%), lên 2.222,88 điểm.

Giá đồng được xem như phong vũ biểu của tăng trưởng toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần trong phiên thứ Tư, xuống 6.874 USD/tấn CMCU3. Cùng với đó, dữ liệu bán lẻ của Mỹ bất ngờ bị đình trệ trong tháng 7, xuống mức thấp nhất kể từ tháng Giêng.

Những thông tin trên đã hỗ trợ tích cực cho giá vàng trong phiên 13/8. Giá kim loại quý này đã tăng vọt 6 USD, vượt qua mốc 1.312 USD/ounce khi bước vào phiên giao dịch Mỹ. Tuy nhiên, khác với phiên giao dịch trước đó, giá vàng không giảm xuống, mà đi ngang quanh mức 1.312 USD/ounce trước khi đóng cửa phiên 13/8 ở mức 1.312,20 USD/ounce, tăng 3,7 USD (+0,28%). Giá vàng giao tháng 12 tăng 3,9 USD (+0,30%), lên 1.314,5 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô cũng tăng mạnh trở lại khi những lo ngại về nguồn cung lại được nhắc tới khi xung đột leo thang ở Lybia và Iraq. Ở Iraq, trong khi phiến quân thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo (IS) đang dần kiểm soát nhiều khu vực và quân đội Chính phủ Iraq được đánh giá là đã thất bại trước IS, thì tại Baghdad, cuộc đấu tranh chính trị giữa các phe phái đang diễn ra càng làm cho giới đầu có lý do để lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.

Kết thúc phiên 13/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,22 USD (+0,23%), lên 97,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,26 USD (+1,21%), lên 104,28 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục