Vùng trống thông tin ở phía trước, tâm lý đã quen

(ĐTCK) Phần lớn tháng 9 là khoảng thời gian thị trường chứng khoán thiếu vắng thông tin hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng với bối cảnh dòng tiền đang có dấu hiệu hạn hẹp do lãi suất huy động và lãi suất trái phiếu tăng cao, tạo áp lực lên thị trường chung.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Thời điểm này, các nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III và quý IV sẽ đủ lực để tạo ra một đợt tăng giá mới trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, còn quá sớm để dự đoán kết quả kinh doanh 2 quý cuối năm, vì thế giá nhiều cổ phiếu có diễn biến giảm trong bối cảnh thị trường chung kém khả quan.

Dòng tiền đang chọn lọc các cổ phiếu có câu chuyện riêng, thay vì tập trung vào các cổ phiếu hàng đầu; bên cạnh đó, dòng tiền chảy vào các cổ phiếu đã giảm giá xuống ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư mua bán theo phân tích kỹ thuật. Trong 3 tháng qua, không ít cổ phiếu chạm ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật kể từ đầu năm đã tăng giá trở lại. Gần đây, một số cổ phiếu loại này tăng giá, dù thị trường chung có áp lực giảm như TCB, VPB.

Tất nhiên, yếu tố cơ bản vẫn là nền tảng của hoạt động đầu tư. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán MB, số liệu từ IHS Markit cho thấy, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến đà tăng trưởng đơn đặt hàng xuất khẩu có phần suy giảm trong tháng 8/2019, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng chậm lại, chỉ số PMI sản xuất tháng 8 giảm xuống 51,4 điểm từ mức 52,6 điểm trong tháng 7.

Lĩnh vực sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản được khảo sát cho kết quả điều kiện kinh doanh kém tích cực, nhưng các nhà sản xuất hàng tiêu dùng và hàng hóa trung gian vẫn được cải thiện.

Tốc độ tăng giá của nguyên liệu đầu vào cho sản xuất ở mức thấp khiến doanh nghiệp đẩy mạnh mua vào nguyên liệu sản xuất và gia tăng mức tồn kho nguyên liệu, đồng thời có dư địa giảm giá thành phẩm mà không ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Về mức suy giảm tăng trưởng của chỉ số PMI tại Việt Nam trong tháng 8, một số nhà sản xuất đánh giá là mang tính tạm thời, doanh nghiệp vẫn có niềm tin vào triển vọng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới, với kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng trưởng trở lại.

Như vậy, tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung có gam màu trung tính.

Trước mắt, một trong những thông tin hỗ trợ cho thị trường chứng khoán châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng là Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Mặc dù vậy, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu “bấp bênh”, dòng vốn ngoại ở thị trường Việt Nam dự báo sẽ ở mức yếu, khó có thể nâng đỡ thị trường.

Thời điểm này, thị trường chịu áp lực giảm điểm, nhưng tâm lý nhà đầu tư đã quen với sức ép tâm lý từ những yếu tố ngoại biên biến động bất thường, đặc biệt là động thái trả đũa qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thương chiến.

Vì thế, với định giá P/E của thị trường Việt Nam ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường khác, dòng tiền không rời bỏ thị trường, mà kiên nhẫn chờ đợi điểm mua hợp lý các cổ phiếu tốt và các cổ phiếu có câu chuyện riêng như tài sản tốt, tiền mặt nhiều, có dự án lớn sắp triển khai.

Không ít cổ phiếu như vậy đã mang lại tỷ suất lợi nhuận cao cho nhà đầu tư như câu chuyện của các cổ phiếu TDC, BCG, LDG... tìm đường về mệnh giá từ đầu năm nay đến nay.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục