Tháng 9, chờ tự tin trở lại

(ĐTCK) 3 tuần đầu tiên của tháng 8, các quỹ ETF tại Mỹ chứng kiến nhà đầu tư rút ròng gần 18 tỷ USD. TTCK Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung chao đảo trong tháng 8 vì tác động của chiến tranh thương mại, nhưng vẫn có những lý do để chờ đợi tháng 9 lạc quan nếu Fed tính việc hạ lãi suất và cuộc chiến Mỹ - Trung có cơ hội tìm được sự đồng thuận.
Tháng 9, chờ tự tin trở lại

Tháng 8 đầy biến động

Kể từ đầu năm 2019 đến nay, TTCK Mỹ đã đạt 13 kỷ lục mới và gia tăng 5 nghìn tỷ USD, vượt qua mọi khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, đồng USD tăng giá và lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống. Chỉ số S&P 500 nhẹ nhàng tiến tới nấc thang cao nhất trong 6 năm qua. Ðó là câu chuyện tuyệt vời của giới đầu tư và các nhà quản lý quỹ, trước khi mọi chuyện xoay chiều đảo ngược.

Trong tháng 8 vừa qua, dấu mốc đáng nhớ của TTCK Mỹ là ngày 23/8/2019, khi “cơn bão” các tweets từ Tổng thống Mỹ Donald Trump ập đến khiến chỉ số S&P 500 giảm hơn 2% trong một ngày, lần thứ ba trong 1 tháng. Ðiều này khiến chỉ số này có tuần giảm điểm thứ 4 liên tiếp, chuỗi thời gian dài nhất kể từ năm 2011.

“Các thành viên thị trường nghĩ rằng, họ đã có sự chuẩn bị để đón nhận những điều không ngờ nhất, nhưng có vẻ thực tế không như vậy. Vấn đề là rất khó khăn để tạo và gìn giữ quan điểm của mình một cách mạnh mẽ khi mọi thứ thay đổi một cách đột ngột, mãnh liệt”, Marvin Loh, Chiến lược gia thị trường vĩ mô toàn cầu tại State Street chia sẻ.

Thay vì nhảy vào cơn bão, giới đầu tư nhanh chóng tìm cách tự vệ. Chỉ trong vài ngày cuối tháng 8, các loại hợp đồng với tính an toàn cao được dùng để tự bảo hiểm trước đà giảm của thị trường đã tăng chóng mặt. Cùng với làn sóng này, các quỹ đầu tư cũng chứng kiến dòng tiền bị rút ra mạnh nhất trong 3 năm qua.

Chỉ số S&P 500 giảm 2,6% trong ngày thứ Sáu sau khi Mỹ cho biết sẽ sớm đáp trả lại biện pháp áp thuế quan mới từ Trung Quốc và ông Trump lên tiếng chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã “không làm gì”. Ðây là lần thứ tư thị trường leo dốc đầu tuần và lao dốc vào phiên giao dịch cuối tuần với biến động lớn, theo số liệu tổng hợp bởi SentimenTrader. Ðiều này ít khi xảy ra trong quá khứ.

Những biến động như vậy giải thích tại sao các nhà đầu tư/đầu cơ chuyên nghiệp “rút lui” khỏi TTCK. HFRX Equity Hedge Index, chỉ số đo lường mức lợi suất mà các quỹ đầu cơ bám theo chỉ số S&P 500 mang lại đang ở mức gần thấp nhất kể từ khi các số liệu được ghi nhận, Marko Kolanovic, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô đầu tư định lượng và phái sinh tại JPMorgan Chase & Co. chia sẻ.

Trong khi đó, trên bờ vực của xung đột thương mại, các quỹ ETF đầu tư thị trường cổ phiếu Mỹ chứng kiến nhà đầu tư rút ròng gần 18 tỷ USD trong 3 tuần đầu tiên của tháng 8, mức cao nhất trong 6 tháng qua, theo số liệu của Bloomberg. Trong đó, các quỹ đầu tư “mất máu” nhiều nhất là các quỹ lớn theo dõi chỉ số S&P 500. Riêng quỹ SPDR S&P 500 ETF Trust bị rút ròng gần 10 tỷ USD trong tháng 8.

Tháng 9, chờ tự tin trở lại ảnh 1

“Ðây là môi trường mà bạn cần để bản thân bình tĩnh và thoải mái nhất có thể vì các tin tức thay đổi chóng mặt”, Ed Campbell, nhà quản lý danh mục đầu tư và Tổng giám đốc quỹ QMA nhận định. Quỹ này nắm giữ cổ phiếu với tỷ trọng lớn trong danh mục đầu tư vào đầu năm 2019 nhưng đã kịp lùi lại ở mức cân bằng hơn trong tháng 5, khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bắt đầu tăng nhiệt.

Sự tự tin vẫn còn

Thực tế, tháng 8 thường là thời điểm đầy biến động và chỉ số S&P 500 vẫn tăng gần 15% trong năm nay. Nếu các dữ liệu lịch sử là biển chỉ dẫn, nhiều khả năng từ nay tới cuối năm, thị trường sẽ khởi sắc hơn. Theo nghiên cứu của Bespoke Investment Group, kể từ năm 1928, nếu S&P 500 tăng trong khoảng thời gian từ tháng 1 tới tháng 7, thị trường sẽ tăng trung bình gần 4% trong thời gian còn lại của năm. Với những năm mà chỉ số tăng hơn 10% cho tới tháng 7, thì mức tăng trung bình từ tháng 8 cho tới hết năm là gần 6%.

Tháng 9, chờ tự tin trở lại ảnh 2

Theo ghi nhận ý kiến từ các nhà quản lý, có một số lý do để duy trì sự lạc quan. Với John Augustine, Giám đốc đầu tư tại Hungtington Private Bank, suy nghĩ tích cực bắt nguồn từ việc các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng vẫn diễn ra trong tháng 9, Fed có thể tiếp tục quá trình hạ lãi suất trong thời gian tới và còn nhiều cơ hội để Mỹ - Trung tìm được sự đồng thuận. “Chúng tôi không mất đi sự tự tin”, John Augustine cho biết.

Theo dự báo của Goldman Sachs, nhiều khả năng chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm 2019 ở mức 3.100 điểm, tương đương tăng 24% trong năm nay, với động lực xuất phát từ chính sách hạ lãi suất của Fed.

“Môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của các thị trường tài chính”, David Kostin, chiến lược gia trưởng thị trường chứng khoán Mỹ của Goldman Sachs cho biết.

Chia sẻ với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Imai Tsuyoshi, CEO Công ty Chứng khoán Nhật Bản cho rằng, kể từ ngày 5/8 cho tới nay, TTCK Mỹ vẫn đang dò đáy và có nhiều phiên giao dịch biến động lớn bởi chịu ảnh hưởng từ diễn biến mới của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, vị CEO này không lo lắng về diễn biến của TTCK toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng trong khoảng thời gian này.

Cụ thể hơn, tại các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, các loại tài sản có rủi ro cao như trái phiếu lãi suất cao (junk bond) vẫn đang giao dịch ở mức ổn định. Ðiều này cho thấy, giới đầu tư không quá hoảng loạn trước các rủi ro hiện hữu trên thị trường.

Bên cạnh đó, một yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong thời gian tới là sự hồi phục của giá dầu thô, khi giá loại nguyên liệu này đã tăng khoảng hơn 2% trong những phiên giao dịch cuối tháng 8. Trước đó, các thành viên thị trường bày tỏ lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô trên thị trường sẽ suy giảm do ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng hiện tại, nỗi lo này đã dịu đi khi lượng dầu dự trữ tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo.

Tất nhiên, những rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung vẫn hiện hữu, nhất là khi đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn đảo ngược. Theo đó, đường cong lợi suất giữa trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm tiếp tục giảm sâu sau khi chạm đáy 12 năm trong phiên 27/8.

Một vấn đề khác là Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo áp lực lên Fed với kỳ vọng sẽ có thêm các đợt hạ lãi suất. Hành động này nếu xảy ra sẽ dẫn tới việc USD hạ giá và tạo thêm các biến động trên thị trường tiền tệ.

“Ðánh giá tình hình kinh tế vĩ mô hiện tại, tôi không quá lo lắng về thị trường trong trung hạn, tuy nhiên sẽ có nhiều biến động trong ngắn hạn. Vì lẽ này, tôi có chủ trương nắm giữ tỷ trọng tiền mặt trong khoảng 20%, bởi thị trường có thể thay đổi đột ngột trong bối cảnh hiện nay”, ông Imai Tsuyoshi cho biết.

Tại TTCK Việt Nam, trong tháng 8 cũng chứng kiến nhiều phiên giao dịch có hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, tức là dù chốt phiên chỉ số có tăng, nhưng phần lớn cổ phiếu lại giảm giá. Trong bối cảnh hiện tại, một số công ty chứng khoán nhận định thị trường sẽ có xu hướng hồi phục nhẹ trong thời gian tới, tuy nhiên khả năng chinh phục ngưỡng 1.000 điểm trở nên khó khăn hơn.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục