Vụ Vạn Thịnh Phát: Thanh tra nhưng không đối chiếu đã tạo ra "kẽ hở"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long cho rằng, cơ chế kiểm soát ngược đối với những cơ quan, cán bộ thực thi nhiệm vụ hiện đang rất kém. Từ vụ Vạn Thịnh Phát có thể nhìn ra "kẽ hở" từ quá trình thanh tra nhưng không đi kèm với đối chiếu kết quả thanh tra...
Đại biểu Nguyễn Công Long trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 23/11 (Ảnh: M.Minh) Đại biểu Nguyễn Công Long trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 23/11 (Ảnh: M.Minh)

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Dự thảo Luật này hiện đang được dư luận xã hội rất quan tâm, trong bối cảnh Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, Đưa hối lộ... xảy ra tại Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và một số đơn vị liên quan.

Bên hành lang Quốc hội sáng 23/11, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) chia sẻ với báo chí về một số bất cập trong hoạt động giám sát hoạt động của ngân hàng hiện nay.

Theo vị đại biểu, vụ việc Vạn Thịnh Phát được phanh phui cho thấy hàng loạt bất cập, những nỗi lo đối với hệ thống ngân hàng, đặc biệt đây là lĩnh vực tín dụng của ngân hàng thương mại lớn.

Trong khi đó, hoạt động tín dụng có rất nhiều ảnh hưởng, tác động lớn đến nền kinh tế đất nước. Nhìn vào vụ Vạn Thịnh Phát có thể thấy, vi phạm của các bị can đã gây ra hệ lụy lớn đối với nền kinh tế cũng như niềm tin của người dân vào hoạt động tín dụng.

Theo đại biểu Nguyễn Công Long, nguyên nhân dẫn đến sai phạm lớn trong vụ án này chính là các cơ quan chức năng khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí có sự thoái hóa biến chất của một nhóm cán bộ khi thực thi công vụ có hành vi tham nhũng.

“Đây là vấn đề rất cấp bách phải xem xét”, ông Long nói và nhấn mạnh, ngoài việc đặt ra yêu cầu kiểm soát quyền lực trong thực thi công vụ vốn rất quan trọng thì vai trò kiểm soát, kiểm tra lẫn nhau cũng là điều quan trọng cần bàn đến.

Bị can Trương Mỹ Lan (trái), cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng bị can Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB 415.000 tỷ đồng.

Bị can Trương Mỹ Lan (trái), cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng bị can Trương Huệ Vân (Tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB 415.000 tỷ đồng.

Từ vụ Vạn Thịnh Phát, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, việc cử một đoàn thanh tra xuống làm việc tại ngân hàng, sau đó báo cáo kết quả lên, nhưng không có kiểm tra, đối chiếu, kiểm soát lại thì đó chính là "kẽ hở". Bởi vì, kết quả thanh tra đúng hay sai có thể sửa đổi bởi chính đoàn thanh tra đó, đây là nguy cơ rất lớn.

“Cơ chế để kiểm soát ngược trở lại đối với tất cả những cán bộ, cơ quan thực thi đó hiện nay đang rất kém. Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý đối với các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Long nói lưu ý.

Theo vị đại biểu là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong vụ việc này trách nhiệm để xảy ra sai phạm lớn là cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra.

Từ đó, ông Long cho rằng để đảm bảo thị trường tài chính lành mạnh, đảm bảo hoạt động đúng đắn của các tổ chức tín dụng, vai trò kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước là rất quan trọng. Bao gồm ngân hàng và các kênh giám sát khác về tài chính.

Ngày 18/11, bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố về 3 tội danh Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Đưa hối lộ.

Theo cơ quan điều tra, mặc dù chỉ trực tiếp nắm 4,92% vốn của Ngân hàng SCB nhưng thực chất bà Lan nắm trong tay hơn 91% vốn của ngân hàng này, thông qua các cá nhân tổ chức đứng tên hộ khác.

Từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo người thân tại SCB và thuộc cấp trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB 545.000 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Tổng cộng số tiền bà Lan gây thiệt hại cho SCB là hơn 415.000 tỷ đồng.

Đây là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Trong 86 bị can của vụ án có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB đối mặt cáo buộc: Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 5 triệu USD để chỉ đạo “xóa mờ” nhiều sai phạm nghiêm trọng của SCB.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục