Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan đã "rút ruột" Ngân hàng SCB như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bộ Công an, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cổ đông chiếm hơn 90% vốn điều lệ tại SCB) đã chỉ đạo người thân, thuộc cấp tại SCB và các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lập các hồ sơ "khống" vay vốn của SCB, sau đó chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại hơn 415.000 tỷ đồng của ngân hàng này.
Bị can Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Ảnh: Bộ Công an) Bị can Trương Mỹ Lan và Trương Huệ Vân, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Ảnh: Bộ Công an)

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa ban hành Kết luận điều tra vụ án hình sự xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan giai đoạn 2018 - 2022.

Trong vụ án này, C03 đề nghị truy tố bị can Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát về 3 tội danh “Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Tham ô tài sản”.

Cùng bị đề nghị truy tố với bị can Trương Mỹ Lan là 87 bị can khác, về các tội danh "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", "Nhận hối lộ", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 công ty

Theo Kết luận điều tra của C03, bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (trụ sở tại 193-203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, Quận 1, TP Hồ Chí Minh), ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn...

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát bao gồm hơn 1.000 công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn.

Các công ty trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát liên quan đến vụ án này được chia làm 4 nhóm chính, có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm:

Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, gồm: Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú; trong đó SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam: Phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn...; có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên.

Bao gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng)...

Nhóm các công ty được gọi là "công ty ma" tại Việt Nam: Được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công...

Mạng lưới công ty tại nước ngoài. Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam, có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

"Rút ruột" SCB hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 415.000 tỷ đồng

Từ tháng 12/2011, bằng cách nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; nắm 98,74% cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và nắm 80,46% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.

Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 1/1/2012 dưới tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,61% cổ phần sau đó tăng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này lên 91,54% vào ngày 1/1/2018.

Tính đến tháng 10/2022, SCB có vốn điều lệ hơn 15.200 tỷ đồng (tương ứng 1,523 tỷ cổ phần), với tổng số 4.129 cổ đông. Trong đó Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1,394 tỷ cổ phần (chiếm 91,536%), bao gồm trực tiếp đứng tên sở hữu gần 75,89 triệu cổ phần (4,98%), số còn lại do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên giúp.

Với vai trò là cổ đông chính (chiếm tới hơn 90% cổ phần) tại Ngân hàng SCB, dù không giữ chức vụ, không tham gia quản trị hay điều hành ngân hàng, bị can Trương Mỹ Lan (thông qua những người thân tín tại SCB) đã chi phối, lũng đoạn, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, biến ngân hàng thành công cụ tài chính để huy động vốn.

Cụ thể, với chủ trương lợi dụng hoạt động của Ngân hàng trong huy động vốn đáp ứng nhu cầu kinh doanh của Tập đoàn và các công ty con, công ty liên kết, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt của SCB và các nhân sự tại một số công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lập hàng nghìn bộ hồ sơ "khống" vay vốn Ngân hàng SCB rồi sử dụng sai mục đích và chiếm đoạt để sử dụng cá nhân.

Trong quá trình này, bị can Trương Mỹ Lan đã đối phó, mua chuộc, đưa hối lộ cho một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước để những người này làm trái công vụ, tiếp tay cho các bị can thực hiện hành vi phạm tội.

Phòng giao dịch Cô Giang của SCB nằm trong Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Phòng giao dịch Cô Giang của SCB nằm trong Trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Kết luận điều tra xác định, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút tiền, chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.000 tỷ đồng.

Số tiền này hiện SCB không thể chi trả, thậm chí còn phát sinh lãi hơn 129.000 tỷ đồng, do đó, cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Trương Mỹ Lan gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.

Đây là nguyên nhân căn bản, cốt yếu dẫn đến Ngân hàng SCB đã hoàn toàn mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

Theo C03, hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan được thực hiện như một tổ chức tội phạm, với quy mô rất lớn và rất tinh vi. Ngoài việc thao túng, lũng đoạn ngân hàng để huy động vốn rồi chiếm đoạt, các bị can còn mua chuộc công ty thẩm định giá cung cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, thực hiện giải ngân trước - hợp thức hoá hồ sơ sau, hoán đổi rút tài sản có pháp lý, có giá trị để bán nhằm "rút ruột" ngân hàng...

Tinh vi hơn, để hợp thức việc rút tiền sử dụng cho các mục đích của mình, tránh việc bị cơ quan chức năng phát hiện và có điều kiện truy vết theo dòng tiền, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo người thân tín tại SCB và thuộc cấp tại Vạn Thịnh Phát thực hiện giải ngân vào tài khoản các cá nhân, pháp nhân "ma" để thực hiện chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.

Hoàng Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục