Vụ mua bán kit test Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á: Liệu có chuyện “tày đình” ở phía sau?

Có hay không việc “dâng” tài sản là kết quả nghiên cứu khoa học của Nhà nước cho Công ty Việt Á, rồi dùng tài sản đó bán cho bệnh viện công, các trung tâm CDC và thu lợi khủng.
Cuộc họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức công bố kết quả “nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện vi rút Corona chủng mới (nCoV)" do Học viện Quân y chủ trì (chủ nhiệm đề tài), phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất.

“Dâng” tài sản nhà nước cho tư nhân để… bán lại cho Nhà nước?

Bộ kit test Covid-19 do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) sản xuất là đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước, do Nhà nước phê duyệt, cấp kinh phí, thì tại sao lại “biến” thành sản phẩm độc quyền của doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp này “ẵm” gần 4.000 tỷ đồng từ bán hàng? Đây là câu hỏi bức xúc của dư luận hiện nay.

Tư liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được cho thấy, câu hỏi trên có hàng loạt cơ sở.

Cụ thể, theo công bố tại cuộc họp báo ngày 5/3/2020 do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc chủ trì về kết quả “nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện vi rút Corona chủng mới (nCoV)” do Học viện Quân y chủ trì (chủ nhiệm đề tài), phối hợp với Công ty Việt Á nghiên cứu sản xuất, thì đây là đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước, do Bộ KH&CN phê duyệt, cấp vốn.

Tại thông báo phát đi ngày 21/12/2021, Bộ Y tế cũng tái khẳng định: “Đây là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ KH&CN phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á”.

Có thể thấy, bộ kit test Covid-19 giúp doanh nghiệp tư nhân thu về gần 4.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước sau 17 tháng bán hàng, là tài sản không phải của riêng Công ty Việt Á, mà còn là của Nhà nước (trường hợp Công ty Việt Á cùng Học viện Quân y nghiên cứu), bởi được hình thành từ nguồn vốn nhà nước, do người hưởng lương nhà nước (Học viện Quân y) thực hiện.

Vì vậy, kit test Covid-19 mà Công ty Việt Á bán ra không thể đánh đồng với hàng loạt kit test mà các doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài tự bỏ “tiền túi” nghiên cứu sản xuất. Đó là chưa nói, giá bán kit của các công ty này còn thấp hơn giá mà Công ty Việt Á niêm yêt trên Cổng công khai giá của Bộ Y tế (ví dụ, kit của Công ty Ampharco U.S.A chỉ có giá 179.800 đồng/sản phẩm).

Vậy tại sao, tài sản này lại bị biến thành của riêng của Công ty Việt Á, khi vào ngày 4/12/2020, Bộ Y tế có Quyết định số 5071/QĐ-BYT cấp phép lưu hành 5 năm đối với sản phẩm kit test Covid-19 ghi rõ “của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á”?.

Tại nhiều thông báo trước đó, điển hình là tại công văn phát đi hồi tháng 7/2021 do ông Nguyễn Minh Tuấn, khi đó là Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế (đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng hồi tháng 11/2021) ký, giới thiệu các đơn vị có kit test Covid-19 để các sở y tế, bệnh viện liên hệ mua sắm cũng “biến” kit test Covid-19 hình thành từ tài sản của Nhà nước thành của doanh nghiệp tư nhân, khi nêu: “Kit test của Công ty Việt Á có giá 470.000 đồng/bộ”.

Từ đây, những câu hỏi khác lại được đặt ra: Bộ KH&CN đã thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với kết quả nghiên cứu này như thế nào? Có việc bán đứt kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp tư hay không và tiền thu vào ngân sách ra sao?

Các câu hỏi trên cần phải được làm rõ, bởi nếu có chuyện “dâng” tài sản Nhà nước cho doanh nghiệp tư nhân, rồi doanh nghiệp tư nhân đó lại dùng chính tài sản này bán cho Nhà nước, thì số tiền ngân sách thất thoát không chỉ dừng ở số hoa hồng chi cho các trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) và phần chênh lệch từ nâng giá khống.

Cần lưu ý rằng, trong chỉ đạo mới đây (ngày 22/12/2021), Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an mở rộng điều tra để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát.

Có hay không kịch bản “moi” ngân sách?

Khác với kit test nhanh Covid-19 mà người dân có thể mua về để tự kiểm tra, xét nghiệm nhanh (có giá khá rẻ), kit test Covid-19 do Công ty Việt Á tung ra là kit test PCR, một loại xét nghiệm có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ sinh học do phản ứng rất nhạy và cho kết quả đặc hiệu. Để thực hiện được test loại này, phải là cơ sở có máy xét nghiệm PCR (trị giá hàng chục ngàn USD/máy), kỹ thuật viên y tế phải có trình độ cao.

Như vậy, kit test Covid-19 mà Công ty Việt Á bán ra có tính quyết định, khẳng định người dân nhiễm hay không nhiễm Covid-19, chứ không như kit test nhanh. Suốt thời gian qua, chứng nhận test PCR trở thành “giấy thông hành” của người dân là vì vậy.

“Đích nhắm” để bán kit test Covid-19 của Công ty Việt Á chính là các CDC và bệnh viện công, nơi có máy móc thiết bị cùng nhân sự, lại được Bộ Y tế cho phép thực hiện. Điều này có nghĩa là, tiền mua kit test Covid-19 của các CDC và bệnh viện công cũng chính là từ ngân sách Nhà nước.

Vấn đề lại đặt ra, vì sao kit test PCR quan trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tới cả công cuộc phòng, chống Covid-19 của cả nước và cả hệ thống chính trị như vậy, mà lại có quá nhiều mập mờ. Cụ thể, nhà xưởng sản xuất đặt tại Bình Dương của Công ty Việt Á chỉ là nơi phối trộn nguyên liệu, chứ không phải nơi sản xuất nguyên liệu; Bộ KH&CN “lờ” đi thông báo của WHO (không chấp nhận kit test Covid-19 của Công ty Việt Á), mà còn quảng bá sản phẩm này trên trang web của mình, thậm chí phát cả thông cáo báo chí với nội dung: “WHO đã đánh giá bộ kit do Công ty Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách sử dụng khẩn cấp… Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu và cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do”; hàng loạt CDC khai mua theo giá “nâng khống” của Công ty Việt Á từ “thông báo của Bộ Y tế”…

Bên cạnh đó, trước khi có nhiều công ty khác công bố có kit test, thì chỉ có kit của Công ty Việt Á độc chiếm thị trường. Có lãnh đạo CDC nói rằng, thời điểm đó, “không mua của Việt Á, thì mua của ai?”.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, việc mua bán kit test của CDC và bệnh viện của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước là hình thức “chỉ định thầu rút gọn”, chứ không phải đấu thầu công khai để canh tranh minh bạch giúp giảm thâm thủng ngân sách như thông báo ngày 21/12/2021 của Bộ Y tế.

Các dữ liệu trên càng khiến dư luận đặt câu hỏi: Có hay không “cú bắt tay”, xây dựng kịch bản để “moi” tiền ngân sách (là chủ yếu)?

Việc xác định rõ nguồn gốc, chất lượng kit test Covid-19 do Công ty Việt Á bán không chỉ là “chìa khóa” làm rõ bản chất vụ việc, mà còn là yếu tố then chốt liên quan đến công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của cả nước với “núi” tiền ngân sách đã chi ra.

Chi “hoa hồng” là bình thường hay “không bình thường”?

Tới giờ này, vẫn còn không ít người chưa hiểu rõ bản chất vụ việc và “băn khoăn” cho rằng, việc Công ty Việt Á chi hoa hồng và

Giám đốc CDC Hải Dương nhận khoản hoa hồng này là chuyện “bình thường”, thậm chí luật cho phép doanh nghiệp tư nhân đưa hoa hồng vào chi phí sản xuất.

Cần nhận thức rõ rằng, theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thì số phần trăm hoa hồng (gần 30 tỷ đồng) mà Công ty Việt Á chi cho Giám đốc CDC Hải Dương là tài sản nhà nước, bởi đơn vị này dùng kinh phí là ngân sách để thực hiện giao dịch.

Do vậy, dù Công ty Việt Á có “ấn tiền vào túi”, thì Giám đốc CDC Hải Dương cũng phải kê khai và nộp đầy đủ cho cơ quan, tổ chức.

Tương tự, bất cứ CDC hay bệnh viện công hoặc lãnh đạo cấp nào thuộc cơ quan nhà nước mà chỉ định thầu, mua kit test Covid-19

từ Công ty Việt Á rồi được “hoa hồng” mà bỏ vào “ví mình”, thì dù không thông đồng nâng khống giá như CDC Hải Dương, vẫn vi phạm luật rất nghiêm trọng.

Chưa hết, dù Bộ Y tế tại thông báo mới đây cho rằng, theo quy định của luật, giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá, thì Công ty Việt Á cũng như CDC Hải Dương vẫn phạm luật này, bởi việc thỏa thuận nâng khống giá đã phạm vào điều cấm tại khoản 2, Điều 10 của Luật Giá: “Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý; các hành vi chuyển giá, thông đồng về giá dưới mọi hình thức để trục lợi”.

Và tất nhiên, việc thỏa thuận để nâng khống hợp thức hóa hồ sơ cũng vi phạm Luật Đấu thầu, dù ở đây là hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Đó chính là tham nhũng, là chiếm đoạt tài sản nhà nước, là điều không thể chấp nhận, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục