Dấu hỏi trong "vụ lừa dối thế kỷ" mua bán kit test Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Tổng giám đốc Công ty Việt Á cùng 6 người khác đã nâng khống giá rồi thông đồng với các trung tâm CDC để bán - mua kit test Covid-19, “ẵm” gần 4.000 tỷ đồng ngân sách.

Chỉ bán kit test, 17 tháng “ẵm” gần 4.000 tỷ đồng ngân sách

Lật kỹ vụ sản xuất, mua bán kit test Covid-19 của Công ty Việt Á với các CDC và các cơ sở y tế trên cả nước, có thể thấy, Việt Á là doanh nghiệp tư được phê duyệt cấp phép và thu về số tiền “khủng” từ ngân sách “siêu tốc” nhất nhì từ trước đến nay.

Trước khi được duyệt bán kit test Covid-19 (tháng 4/2020), trong 4 năm (2016 - 2020), doanh thu của Công ty Việt Á giảm từ mức 166 tỷ đồng về còn 63 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2020, sau khi được bán kit test Covid-19, doanh thu của công ty này tăng vọt gấp 6 lần năm 2019.

Còn theo con số của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, thì chỉ sau 17 tháng từ khi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit test Covid-19 đến nay (tháng 4/2020 - 12/2021), Công ty Việt Á chỉ bán kit test Covid-19 cho các CDC và cơ sở y tế cũng đã đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Bật ngửa với “dây chuyền sản xuất ISO”

Tháng 3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức họp báo công bố việc Học viện Quân y và Công ty Việt Á nghiên cứu sản xuất thành công kit test Covid-19 nêu trên. Bộ kit này sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử và Realtime PCR, sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn ISO 13485, Labo kiểm định tiêu chuẩn ISO Class 8.

Theo thông tin công bố tại cuộc họp báo, kinh phí nghiên cứu này do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ và Công ty Việt Á được chọn làm doanh nghiệp sản xuất vì “có dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 13485, phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu đạt tiêu chuẩn ISO Class 8”.

Trên hộp kit test Covid-19 thành phẩm được Công ty Việt Á sản xuất bán cho các CDC và cơ sở y tế trên cả nước thể hiện “nguồn gốc” từ 2 địa chỉ tại TP.HCM và Bình Dương.

Nhưng khi Bộ Công an khởi tố, bắt giam Tổng giám đốc Công ty Việt Á cùng 6 người khác liên quan, trụ sở chính tại TP.HCM của Công ty Việt Á (372A/8 - Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận) chỉ có cái biển hiệu đặt nhờ, không có nhân viên.

Còn tại trụ sở ở Bình Dương (9/1A, Quốc lộ 1, khu phố Bình Đường 2, TP. Dĩ An), khi lực lượng công an ập tới khám xét, thu giữ tài liệu liên quan, nhân viên kỹ thuật tại trụ sở này cho hay, mỗi ngày ở đây “pha chế” được 30.000 bộ kit test Covid-19.

Trước đó, tại cuộc họp báo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tháng 3/2020, Tổng giám đốc Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt cho biết, năng lực sản xuất của Công ty khoảng 10.000 bộ kit/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần.

Trụ sở ở Bình Dương là “nhà máy sản xuất” chính của Công ty Việt Á, nhưng tại thời điểm lực lượng công an vào khám xét, thì phần lớn diện tích nơi đây là khu chứa thùng carton, khu hành chính. Còn khu sản xuất có “dây chuyền tiêu chuẩn ISO…” chỉ là căn phòng rộng hơn 10 m2 với vài tủ lạnh, tủ cấp đông, máy chiết tách cũ kỹ, vài chiếc hộp kính khung nhôm đặt trên mặt bàn đá nhân tạo.

Chưa hết, Công ty Việt Á quảng bá là đơn vị tư nhân chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm cùng khách hàng gồm nhiều bệnh viện lớn.

Tuy nhiên, trên thực tế, phòng sản xuất chỉ có 10 người, trong đó có cả nhân viên làm thời vụ, không học hành gì liên quan y tế. Còn lại hơn 100 người khác chủ yếu là nhân viên bán hàng, văn phòng, kế toán...

“Dây chuyền” sản xuất vật tư y tế liên quan đến tính mạng con người như vậy liệu có đạt chuẩn; cơ quan nào thẩm định, cấp phép, chấp thuận lưu thông sản phẩm?

Nguyên liệu từ đâu?

Khai báo với cơ quan chức năng, nhân viên kỹ thuật ở “nhà máy” Bình Dương của Công ty Việt Á cho hay, tại đây, họ chỉ có nhiệm vụ phối trộn lại nguyên liệu để hoàn thiện bộ kit test Covid-19, còn nguyên liệu sản xuất ở đâu, ra sao thì họ không biết, “chỉ có Tổng giám đốc là ông Phan Quốc Việt nắm khâu này”.

Theo công bố trước đó của Công ty Việt Á, nguyên liệu để sản xuất bộ kit test Covid-19 gồm 5 loại hóa chất sinh phẩm khác nhau.

Với “nhà máy” sản xuất chính ở Bình Dương chỉ làm nhiệm vụ phối trộn nguyên liệu, tức khâu cuối trong “dây chuyền” sản xuất, câu hỏi đặt ra là, 5 loại nguyên liệu kia được sản xuất ở đâu?

Cần lưu ý, kit test Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất được cả công ty này và bộ, ngành liên quan quảng bá là “đề tài khoa học quốc gia”, là sản phẩm “made in Việt Nam” đầu tiên cho kết quả “tương đương bộ sinh phẩm do CDC Mỹ và Tổ chức Y tế thế giới sản xuất, hiệu suất gấp 4 lần so với sản phẩm Mỹ”.

Thực tế trên cho thấy, việc khởi tố bắt giam Tổng giám đốc Công ty Việt Á cùng 6 người khác với hành vi nâng khống, thông đồng bán kit test Covid-19 chưa dừng lại, thậm chí mới là việc “mở cánh cửa”.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng sự cấp bách và việc sản phẩm kit test Covid-19 thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, nên Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Công ty Việt Á) đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Sau đó, Việt Á thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phát hiện, Công ty Việt Á ký 5 hợp đồng bán kit test Covid-19 cho CDC Hải Dương với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục