VPBankS: Tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm là thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VPBank Securities (VPBankS) lo ngại tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. 
VPBankS: Tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm là thách thức lớn

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 6,1%, tương đương 41% mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra là 15% và dự phóng của VPBankS là 14,83%. Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm là các ngân hàng bán buôn như LPB, TCB và các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền nam như ACB, HDB.

Tăng trưởng tín dụng đến từ động lực GDP Việt Nam tăng khá trong quý II/2024, đạt 6,93% và nửa đầu năm tăng 6,42% chủ yếu nhờ du lịch đã quay trở lại mức trước Covid-19, sản xuất tăng trưởng mạnh với PMI ở mức 54,7 vào cuối quý II. Ngoài ra, FDI, xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục hỗ trợ, điển hình khi thấy các ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về FDI tăng trưởng tín dụng tốt. Đơn cử, Shinhan Bank có tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt 13%. Vào năm 2023, ngân hàng này tăng trưởng 19,99%.

VPBankS cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,83% năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.

Trong nửa cuối năm, để hoàn thành mục tiêu, nền kinh tế cần đẩy thêm 8,73% tương đương với hơn 1,18 triệu tỷ đồng ra thị trường.

Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn lo ngại tăng trưởng tín dụng 14 - 15%/năm là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng.

“Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn”, VPBankS lưu ý.

Nhu cầu vốn của người dân là động lực bền vững

Tín dụng được thúc đẩy phần lớn bởi ngành bất động sản. Đến cuối quý II, dư nợ ngành bất động sản đạt 3,083 triệu tỷ đồng, tăng 6,8% kể từ đầu năm, chiếm tỷ lệ 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Đây cũng là lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng.

Bất động sản là một lĩnh vực hấp dẫn đối với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh, giúp giảm rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường có thể không bền vững, gây ra rủi ro nếu giá trị tài sản giảm. Ngoài ra, các khoản vay bất động sản là dài hạn, có thể ràng buộc vốn và hạn chế khả năng theo đuổi các cơ hội sinh lời khác của ngân hàng.

Do nhu cầu vốn cho nhà ở là rất lớn nên các chuyên gia VPBanks nhận thấy còn rất nhiều dư địa cho vay cho ngành ngân hàng, tuy nhiên, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng.

Trong khi đó, dù lãi suất cho vay mua nhà đã giảm tích cực trong 1 năm qua nhưng do giá nhà vẫn neo ở mức cao so với thu nhập và ngành ngân hàng cần nguồn lực xử lý nợ xấu tồn đọng nên tình hình giải ngân cho vay mua nhà chưa quá tích cực.

Dự phòng nợ xấu của hệ thống còn thấp khi LLR (tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng) ngành chỉ đạt 81%, LDR (dư nợ tín dụng/vốn huy động) cũng đã tăng lên trên 103,8% từ cuối quý II/2024. Cùng với đó, bối cảnh thu hồi nợ xấu chưa thực sự phục hồi do thị trường bất động sản vẫn neo giá cao, chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực.

VPBankS cho rằng, nhu cầu “an cư lập nghiệp” – có nhà ở vẫn là nhu cầu chủ yếu của người dân, các hộ gia đình. Hiện nay tỷ lệ giá nhà ở trên thu nhập của người dân Việt Nam trong đà tăng và đang ở mức khá cao so với các nước phát triển, thậm chí so với nước đang phát triển như Indonesia. Theo Fidelity, đối với hầu hết khách hàng cá nhân và hộ gia đình, tỷ lệ này thường nên ở mức 3 đến 5 lần. Tại Việt Nam tỷ lệ này đang gấp khoảng 4 - 5 lần so với tỷ lệ khuyến nghị.

VPBankS kỳ vọng các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững hơn, điển hình từ các chính sách, cơ chế điều hòa giá nhà đất cho phù hợp với mức thu nhập của người dân và gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân mới đạt 1% (trong đó, số tiền giải ngân cho chủ đầu tư là khoảng 1.202 tỷ đồng tại 12 dự án, còn người mua nhà chỉ vay 32 tỷ đồng tại 5 dự án). Tỷ lệ giải ngân khách hàng cá nhân thấp là do điều kiện mua nhà còn khắt khe, chưa có nhiều hộ đủ điều kiện và vẫn còn cơ chế lãi suất thả nổi.

Nhìn chung, các chuyên gia kỳ vọng những thay đổi trong Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở mới sẽ chủ yếu có lợi cho người mua nhà giúp tín dụng tăng trưởng.

Hồng Ân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục