Vòng đấu mới của cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng và lãnh đạo có số vốn khởi động là 50 tỉ USD, sẽ tăng lên 100 tỉ USD. Mỹ từ đầu đã coi AIIB như một biểu tượng trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung, nhưng cho đến nay, các đồng minh chí cốt của Mỹ đều tham gia ngân hàng do Trung Quốc đề xuất.

21 nền kinh tế đã ký kết MoU về thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á tháng 10 năm ngoái tại Bắc Kinh. Ảnh Reuters 21 nền kinh tế đã ký kết MoU về thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á tháng 10 năm ngoái tại Bắc Kinh. Ảnh Reuters

Ngày 24-3 này vừa đúng 5 tháng Trung Quốc đưa sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB: Asian Infrastructure Investment Bank). Ngay từ đầu, 21 quốc gia ở khu vực, trong đó có Việt Nam, đã hưởng ứng. 21 bộ trưởng tài chính đã ký kết MU (Memorandum Undestanding) để thành lập một ngân hàng rõ ràng làm đối trọng lại 3 ngân hàng lớn hiện nay của Mỹ và Nhật là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Ngày 13-3, George Osborne, Bộ trưởng Tài chính Anh tuyên bố Anh sẽ tham gia AIIB, tiếp đó là Đức, Pháp và Ý cùng “xé rào”, dù không được Mỹ đồng tình. Bộ trưởng George Osborne nói, AIIB là một cơ hội đặc biệt cho Anh và các nước để đầu tư và cùng phát triển. Cả bốn nước này đều muốn là những quốc gia sáng lập AIIB trước thời hạn đăng ký cuối cùng vào ngày 31-3-2015.

Vậy là một vòng đấu mới của cuộc chiến tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang mở ra. Rất nhiều thông tin và bình luận của các chuyên gia hàng đầu vạch chính sách cho Hoa Kỳ và khắp thế giới đã cho rằng, nào là AIIB sẽ là thảm họa cho Hoa Kỳ, nào là đồng minh của Mỹ đang đổ xô đến ngân hàng mới của Trung Quốc. Hôm 13-3-2015, tờ The Guardian (Anh) chạy tít: Mỹ tức giận vì Anh đã chịu sự dẫn dắt của Trung Quốc tại AIIB. Tất cả những điều này cho thấy phương Tây đang chủ động đi tìm sự liên kết mới để cứu cơn khủng hoảng kinh tế đang đổ ập lên đầu họ. Nhưng cũng có thể phương Tây đang tìm liên minh mới để làm đối trọng với đồng đô la. Và cũng không loại trừ phương Tây muốn nắm thông tin về tình hình tài chính châu Á.

Đầu năm 2015 này, Bắc Kinh có 3.850 tỉ đô la Mỹ dự trữ ngoại tệ, giảm so với 3.993 tỉ vào tháng 7-2014. Trung Quốc không thể sử dụng số tiền thu vô nhờ xuất siêu vào việc nâng cao mức sống cho người dân vì các chướng ngại của cơ cấu kinh tế quốc doanh còn quá nặng nề. Thay vì đầu tư vào giáo dục, y tế công cộng, hoặc tăng lợi tức cho người lao động, Trung Quốc đem tiền đi gây ảnh hưởng ngoại giao. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc khởi xướng một định chế tài chánh-kinh tế quốc tế. Họ đã cùng với các quốc gia trong nhóm “BRICS” (Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) lập một Ngân hàng Phát triển mới. Họ cũng lập một Quỹ Phát triển Đường Tơ lụa (Silk Road Fund). Hẳn nhiên, căn cứ nhu cầu xây dựng hạ tầng cơ sở khắp châu Á rất lớn, việc lập Ngân hàng AIIB là một điều logic.

Rồi đây có thể thêm Luxembourg, Thụy Sĩ, Úc, Hàn Quốc sẽ tham gia AIIB. Thực tế này sẽ giúp giải tỏa mối lo ngại mà Tổng thống Obama đã nêu lên vào năm ngoái: AIIB có hoạt động theo các tiêu chuẩn đúng đắn được quốc tế công nhận hay không? Mối lo ngại này có thể chính đáng. Trung Quốc đã nổi tiếng trong việc đem hàng tỉ đô la cho các nước Phi Châu vay để phát triển, mà mục tiêu thật chỉ là hối lộ. Vì vậy, lần này Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải lên tiếng bảo đảm AIIB sẽ theo đúng các quy tắc theo mẫu mực của IMF và WB. Việc tham dự của bốn nước châu Âu trong Nhóm G-7 sẽ là một thử thách để biết lời cam kết của ông Tập Cận Bình có thể tin được hay không. Có thêm Anh, Đức, Pháp, Ý, Ấn Độ, AIIB sẽ không thể cấp tiền cho những dự án nuôi tham nhũng, hối lộ, hoặc phá hoại môi trường.

WB chịu ảnh hưởng của Mỹ, là nước góp vốn cổ phần nhiều nhất. Chủ tịch WB luôn luôn là người Mỹ, chức vụ này tại IMF được chia cho các nước châu Âu. Những nước mới lên, như Ấn Độ, Brazil, Nga, Trung Quốc đóng vai trò quá nhỏ so với tỷ trọng kinh tế của họ. ADB thì do Nhật Bản kiểm soát từ khi thành lập năm 1966. Có lúc vốn góp của Nhật chiếm gần 42%, vào năm 1986. Chức chủ tịch ADB luôn là người Nhật, các nhà thầu Nhật phụ trách đa số các dự án xây cất được ADB cấp vốn. ADB đã được cải tổ, vào cuối năm 2013, số cổ phần của Nhật xuống chỉ còn 15,67%, của Mỹ là 15,56%, Trung Quốc có 6,47%, Ấn Độ 6,36%, và Úc chiếm 5,81%. Việc cải tổ cơ cấu WB và IMF đã được nêu lên từ mấy chục năm nay nhưng không thể tiến hành được vì Quốc hội Mỹ ngăn cản.

AIIB có số vốn khởi động là 50 tỉ, sẽ tăng lên thành 100 tỉ đô la Mỹ. Để so sánh, vốn điều lệ của ADB là 160 tỉ và của WB là 223 tỉ đô la. Ngay từ đầu, AIIB mở cửa mời các nước khác tham dự trong thành phần sáng lập. Tỷ lệ góp vốn cổ phần vào AIIB nhiều hay ít tùy theo tỷ lệ tổng sản lượng nội địa (GDP) của mỗi nước. Nếu Ấn Độ, Anh, Đức, Pháp, Ý, Úc, Nam Hàn không tham dự, thì Bắc Kinh sẽ chiếm đa số cổ phần áp đảo trong AIIB. Khi các nước kinh tế lớn này gia nhập, tỷ trọng của Trung Quốc sẽ giảm bớt. Chính vì thế mà Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã nhấn mạnh chính phủ Anh sẽ buộc AIIB phải hoạt động theo các tiêu chuẩn tài chính quốc tế.

Washington nhiều lần bày tỏ sự nghi ngại về AIIB. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew từng cảnh báo: “Tôi hi vọng trước khi đưa ra cam kết cuối cùng, bất kỳ ai có ý định đưa tên mình vào tổ chức này nên đảm bảo các tiêu chuẩn quản trị của nó là phù hợp”. Mỹ cũng đã vận động hành lang để Úc và Hàn Quốc không gia nhập AIIB.

Washington vẫn coi AIIB như một biểu tượng trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Bà Kristalina Georgieva, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhận định việc Mỹ và EU không chịu cải tổ WB và IMF đã trao thêm cho Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi một lý do khiến Bắc Kinh lập ra AIIB. Chính Bộ trưởng Jack Lew cũng thừa nhận: “Không phải ngẫu nhiên mà các nền kinh tế mới nổi tìm đến những nơi khác, bởi họ thất vọng vì Mỹ chặn ngay cả những cải tổ nhỏ trong IMF”.

Phải chăng châu Âu đại lục đang trôi giạt ngày càng xa đại lục châu Mỹ vì chiến tranh tại Ukraine.  Phải chăng các đồng minh chí cốt lâu đời của Mỹ tại Âu châu Anh, Pháp, Ý, Đức đang rời bỏ Mỹ để hướng về Bắc Kinh và Moscow chỉ vì nền chính trị vụ lợi kinh tế đang vô cùng phổ biến trên toàn cầu hiện nay? Có điều khôi hài lịch sử, chính Henry Kissinger, “thầy dùi” của nền chính trị Mỹ đã đề xuất chủ thuyết chính trị vị lợi nhuận này từ cuối thế kỷ trước.

Biết đâu có ngày Mỹ sẽ thay đổi chính sách, cùng Anh, Pháp, Đức và Ý tham gia AIIB hơn là đứng ngoài đưa ra những lời đả kích, theo như một lời khuyên của bà Shannon Tiezzi, bình luận gia kinh tế của “The Diplomat”: “Mỹ cần phải có một phản ứng phải chăng hơn đối với sáng kiến do Trung Quốc dẫn đầu này hơn là tìm cách để “tẩy chay” nó.


thesaigontimes.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục