Vốn phải chảy trong sự minh bạch

(ĐTCK) Một trong những công việc nêu tại Ðề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến 2020 và định hướng đến 2025” được Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây là phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tài trợ không chính thức cho giao dịch chứng khoán trên thị trường.
Vốn phải chảy trong sự minh bạch

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các công ty chứng khoán vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ, hoặc tham gia hỗ trợ các hoạt động tài trợ không chính thức cho giao dịch trên TTCK.

Vậy vấn đề tài trợ không chính thức trên TTCK phải chăng “nặng” đến mức Thủ tướng phải lên tiếng? Lần giở lại việc giám sát dòng chảy của tiền sẽ thấy, thời gian qua, khá nhiều công ty chứng khoán từng bị xử phạt vì lý do để dòng chảy của tiền vượt quá quy định cho phép.

Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Beta  bị phạt vì vi phạm quy định về giao dịch ký quỹ chứng khoán (tại một số thời điểm đã cho một số khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng); Công ty Chứng khoán Trí Việt bị phạt vì cho khách hàng nộp, rút tiền mặt tại Công ty (đến nay Công ty đã khắc phục); Công ty Chứng khoán VSM, Công ty Chứng khoán SmartInvest bị phạt vì vi phạm quy định về hạn chế đầu tư của công ty chứng khoán; 

Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam bị phạt vì cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ khi chưa nộp báo cáo và được cơ quan quản lý công bố về việc đã nhận đủ tài liệu báo cáo hợp lệ việc thực hiện giao dịch ký quỹ…

Tuy nhiên, những công ty chứng khoán bị xử phạt ở trên hầu như là các công ty quy mô nhỏ, chưa có tên tuổi trên bản đồ thị phần thị trường. Lỗi vi phạm cũng chỉ ở quanh nghiệp vụ cho vay margin hoặc tự doanh vượt quá tỷ lệ cho phép. Vậy với các định chế tài chính trung gian lớn thì sao?

Công ty chứng khoán lớn có lợi thế tài chính nên có thể đầu tư vào hệ thống quản trị hiện đại, nhưng trước áp lực cạnh tranh, áp lực giữ và giành thị phần, họ có hay không việc sáng tạo thêm các sản phẩm tài trợ vốn mà ở đó có những dòng vốn ngầm chảy mạnh?

Quan sát thị trường cho thấy, các công ty chứng khoán lớn, bên cạnh các nghiệp vụ thông thường như cho vay margin, ứng trước tiền bán chứng khoán và cầm cố, repo cổ phiếu, một số đơn vị đã sáng tạo thêm dịch vụ như cung cấp trước sức mua để khách hàng sử dụng được ngay dựa trên tiền bán chưa về, hay hợp tác kinh doanh chứng khoán…

Một số công ty hỗ trợ khách hàng hợp tác với bên thứ ba và sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho vay ngoài danh mục cổ phiếu được phép vay ký quỹ, hoặc cho vay với tỷ lệ margin rất lớn. Mảng việc này nhà đầu tư nào cũng dễ dàng “chạm” vào, thậm chí nhà đầu tư còn có thể được mời chào tham gia “vòng liên kết” cùng hợp tác xác lập vùng giá mới cho một hoặc một số loại cổ phiếu…

Trước sự đa dạng của các dịch vụ hỗ trợ thị trường, nếu nhà quản lý chỉ giám sát trên tỷ lệ margin và chỉ tiêu an toàn tài chính của các tổ chức tài chính trung gian là không đủ. Còn một không gian nữa, vốn chảy theo sức sáng tạo của các sản phẩm, dịch vụ tài trợ nhà đầu tư không chính thức, chưa được giám sát rõ ràng.

VN-Index vừa chạm lại mốc 1.000 điểm, nhưng chỉ số sẽ không nhiều ý nghĩa nếu thị trường không cải thiện được niềm tin về sự minh bạch của doanh nghiệp, của dòng chảy vốn. Chỉ đạo giám sát chặt hoạt động tài trợ vốn không chính thức của Thủ tướng là một thông điệp cho thấy, các thành viên cần nhìn lại xem có thực sự tuân thủ quy định pháp lý hay chưa.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 231,766 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.42 -0.06 -0.07% 645 tỷ