Vốn Nhật vào bất động sản, sẵn sàng nhưng kỹ tính

(ĐTCK) Làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng sôi động. Một xu hướng mà doanh nghiệp Nhật chọn tham gia vào thị trường là bắt tay với các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, để tạo sự kết nối và duy trì sự hợp tác này không phải chuyện dễ.
 
Công trình hợp tác với đối tác Nhật Bản của Phúc Khang Công trình hợp tác với đối tác Nhật Bản của Phúc Khang

Từ câu chuyện của Netland

Việc doanh nghiệp bất động sản Việt Nam bắt tay với những đối tác đến từ Nhật Bản để cùng phát triển dự án không phải là mới, nhưng việc Công ty cổ phần Bất động sản Netland (Netland) mở văn phòng đại diện tại Tokyo, Nhật Bản thì chưa có tiền lệ.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó tổng giám đốc Netland cho biết, mục tiêu mở văn phòng đại diện tại Tokyo là để cho các nhà đầu tư bên Nhật dễ dàng tiếp cận, đồng thời cũng để trao đổi sản phẩm giữa các bên. Hơn nữa, văn phòng đại diện này sẽ là nơi để nghiên cứu khẩu vị của người Nhật về lĩnh vực đầu tư bất động sản... Tuy nhiên, để hiểu được “gu” đầu tư của người Nhật thực sự không dễ dàng.

Thực tế, khoảng cuối tháng 10/2017, khi Netland chưa niêm yết, đối tác Sanei Architecture Planning (Nhật Bản) đã quan tâm và tiếp xúc với Công ty. Lúc này, 2 bên tương tác với nhau thông qua email và họp trực tuyến là chính. Đến tháng 12/2017, đôi bên mới chốt xong các vấn đề và chính thức trở thành đối tác chiến lược từ tháng 2/2018.

 Dự án Waterina Suites, kết quả hợp tác của Tập đoàn Maeda với Tổng công ty Golf Long Thành

Tháng 4/2018, sau khi đã ký kết hợp tác đầu tư và trở thành công ty đại chúng, Netland cử đại diện sang Nhật Bản để họp với HĐQT Sanei và giới thiệu 2 dự án. Lãnh đạo Netland cho biết, chuyến đi này rất may mắn vì đối tác Nhật Bản đã đồng ý xuống tiền vào một dự án ở Nha Trang do Netland đang triển khai.

Trong quá trình này, Netland cũng gặp một đơn vị chuyên quản lý, vận hành dự án của Nhật Bản là G-7 Holdings INC. Quãng thời gian từ lúc 2 bên gặp nhau và trao đổi, đến lúc G-7 Holdings quyết định mua 7% cổ phẩn của Netland là 28 ngày, một khoản thời gian ngắn kỷ lục đối với “truyền thống” kỹ tính của người Nhật Bản trong việc ra quyết định đầu tư.

Trước thương vụ hợp tác của Netland, thị trường bất động sản Việt Nam cũng ghi nhận nhiều sự chú ý của các đối tác đến từ Nhật Bản. Chẳng hạn, Mitsubishi hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang để phát triển dự án nhà ở theo tiêu chuẩn xanh; An Gia Investment hợp tác với Creed Group; Nam Long - Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad...

Làm gì để hợp tác thành công?

Mặc dù được thị trường đánh giá là có quá trình kết nối hợp tác khá “xuôi chèo mát mái”, nhưng trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Hữu Quang cho biết, làm việc với đối tác Nhật Bản rất căng thẳng và áp lực. Để đạt được kết quả như mong muốn, doanh nghiệp Việt Nam phải tương tác với họ không giới hạn thời gian, trong quá trình làm việc không bao giờ có từ “chờ đợi” và “không thể”.

Cũng theo vị lãnh đạo này, để có sự thành công khi hợp tác với đối tác Nhật, ngoài nỗ lực làm việc của bản thân ra, thì phải chú trọng đến sự tương tác và tôn trọng lẫn nhau giữa 2 bên. Không thể ép đối tác theo ý muốn hoặc giới hạn của mình. Phải cùng nhau ngồi lại và trao đổi để các bên cùng đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất.

“Phải luôn đặt mình vào vị trí của người ta, phải nghĩ xem giả sử mình là người xuống tiền thì sẽ quan tâm đến vấn đề gì, và những vấn đề nào cần phải làm rõ... Khi đã tự trả lời được những câu hỏi đó cho chính bản thân mình rồi thì đồng nghĩa việc mình đã trả lời được cho người ta rồi”, đại diện Netland nói và cho biết thêm, một yếu tố rất quan trọng mà đối tác Nhật rất quan tâm là sự trung thực, nên có vấn đề gì cũng phải chia sẻ với người ta. Làm sao để giúp đối tác luôn có cảm giác an tâm... Chính sự chân thành và trung thực này sẽ tạo ra niềm tin và uy tín với đối tác.

Đồng thời, muốn làm việc được với đối tác Nhật thì phải hiểu văn hóa của họ, từ những vấn đề như cách nói chuyện, cách gửi lời chào thăm hỏi, cách đặt vấn đề... Bởi sự không tinh tế vô hình trung trở thành không tôn trọng nhau, thất lễ với nhau.

“Đã có không ít sự hợp tác giữa doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và Nhật Bản không thành vì chúng ta thiếu sự tinh tế”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc An Gia cho biết, những đối tác đến từ Nhật Bản nổi tiếng là kỹ tính và khắt khe. Họ để ý rất nhiều về chi tiết và những thứ xung quanh chứ không chỉ là công việc chính thức. An Gia đã rất vất vả và gặp không ít khó khăn trong quá trình hợp tác với Quỹ Creed Group của Nhật Bản.

Có thể kể đến một số vấn đề như đội ngũ lãnh đạo của An Gia hầu hết là những người trẻ, thuộc thế hệ 8x, chỉ có số ít là cuối 7x, nên khi hợp tác đã có sự khác biệt về văn hóa, cách làm và những tiêu chuẩn quốc tế... Do đó, Ban lãnh đạo An Gia phải cải thiện, nâng cấp chính mình hằng ngày.

“Đến nay, chúng tôi đã hợp tác sâu rộng với Quỹ Creed và có nhiều hợp tác khác ngoài lĩnh vực bất động sản. Qua thời gian hợp tác với quỹ đầu tư Nhật, có những kinh nghiệm được rút ra là chúng ta phải hết sức minh bạch, chia sẻ tất cả những khó khăn cho đối tác của mình để họ còn chuẩn bị những kịch bản cho tương lai. Bởi khi chia sẻ như vậy, cả 2 bên sẽ hiểu được văn hóa cũng như cách làm của nhau”, ông Tín nói và khẳng định, xây dựng niềm tin là rất quan trọng khi làm việc với đối tác Nhật Bản. Khi đã xây dựng được niềm tin thì tất cả những khó khăn đều được giải quyết. Đặc biệt, văn hóa của người Nhật cũng khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam. Họ sẵn sàng hỗ trợ khi mình gặp khó khăn vì họ muốn đi đường dài với chúng ta, muốn xây dựng thương hiệu và sản phẩm mang tính chất ổn định chứ không đưa lợi nhuận làm tiêu chí cao nhất trong quá trình hợp tác.

Tại buổi hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Yamamuchi Masakazu, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Quỹ đầu tư Creed Group chia sẻ, người tiêu dùng Việt Nam đang thông minh hơn trong lựa chọn của mình. Do đó, trong tương lai, những nhà đầu tư và phát triển bất động sản không xây dựng được niềm tin, không giữ đúng được những cam kết của mình trong tiến độ xây dựng hay chất lượng công trình… sẽ bị đào thải khỏi thị trường.

Nói về những kỳ vọng của Creed khi tìm kiếm đối tác tại Việt Nam, ông Yamamuchi Masakazu cho biết, Quỹ luôn tìm kiếm những đối tác có thể sẵn sàng chia sẻ, trao đổi thẳng thắn để đạt đến những cam kết hay thỏa thuận chung, mà không có bất kỳ sự che giấu thông tin nào dù tốt hay xấu.

“Ngay cả giữa những người Nhật cùng làm trong một dự án thì việc mỗi người một ý kiến là chuyện rất bình thường. Do vậy, khi 2 đối tác khác biệt về văn hóa và cách thức làm việc thì chuyện không đi đến cùng một quan điểm là hiển nhiên. Nhưng điều quan trọng ở đây là chúng ta giữ được liên kết mật thiết trong việc trao đổi giữa 2 bên và từ đó sẽ chuyển hướng suy nghĩ để giúp cho vấn đề có những giải pháp tốt hơn”, đại diện Quỹ Creed Group nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục