Nhà đầu tư Nhật Bản đang quan tâm tới các lĩnh vực nào tại thị trường Việt Nam, thưa ông?
Số liệu thống kê gần đây cho thấy, đầu tư Nhật Bản vào các lĩnh vực dịch vụ đang có xu hướng gia tăng mạnh trong dòng vốn đầu tư vào Việt Nam cả về số lượng và giá trị vốn đầu tư. Điều này xuất phát từ một thực tế là bản thân ngành chế tạo của Nhật đang mất dần lợi thế, dù đó là thế mạnh tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Điều này cũng phù hợp với quy luật chung của sự phát triển kinh tế. Đó là khi nền kinh tế đã phát triển thì xu hướng sẽ chuyển dịch mạnh sang các ngành, lĩnh vực có giá trị cao, là lĩnh vực dịch vụ và các ngành phi chế tạo.
Xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tập trung nhiều vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành bán lẻ, phân phối hàng hóa, vận tải. Vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin cũng sẽ tăng lên do các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam có tiềm năng và nguồn nhân lực rất tốt trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý một thực tế là số lượng dự án đầu tư vào ngành dịch vụ có khả năng tăng lên, song giá trị đầu tư vào lĩnh vực chế tạo vẫn rất lớn.
Điều này cho thấy số doanh nghiệp Nhật đầu tư vào ngành chế tạo còn nhiều nhu cầu đầu tư vào Việt Nam và điều này chủ yếu phụ thuộc vào việc Việt Nam lựa chọn thu hút đầu tư như thế nào.
Chính vì vậy, Việt Nam cần lựa chọn ngành nào là thế mạnh thực sự của doanh nghiệp Nhật Bản để thu hút ngành đó vào, tức là thu hút có lựa chọn và trọng điểm, có lợi ích cho chính doanh nghiệp và thị trường Việt Nam. Đây cũng là mấu chốt để gia tăng hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ Nhật Bản trong thời gian tới đây.
Hiện doanh nghiệp Nhật đang bị cho là chậm chân hơn người Hàn Quốc trong xu hướng xem xét đánh giá và ra quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp cũng như thị trường Việt Nam. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?
Trong kinh doanh cũng như đối với việc quyết định một dự án đầu tư nói riêng, không phải cứ nhanh hay chậm là tốt, quan trọng là đầu tư vào thời điểm nào thì xác suất thành công cao hơn.
Các nhà đầu tư Nhật Bản thường chọn phương án đầu tư một cách chắc chắn và an toàn. Bằng chứng là doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam từ trước năm 2010 có tỷ lệ thành công rất cao, với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng rất tốt, đều đặn trong thời gian trở lại đây.
Kết quả khảo sát năm nay một lần nữa chứng minh cho nhận định này với tỷ lệ các doanh nghiệp đầu tư lâu dài tại Việt Nam có lãi ở mức cao nhất, với trên 80% và giữ khá ổn định trong nhiều năm trở lại đây.
Điều này cũng nói lên một điều: doanh nghiệp Nhật Bản chọn con đường cam kết lâu dài cùng Việt Nam phát triển. Đây là phương châm đầu tư của doanh nghiệp Nhật, chứ không phải vấn đề nhanh hay chậm.
Gần đây, một số doanh nghiệp Nhật mua lại cổ phần hãng thời trang Việt Nam như Elise, NEM, hay gia tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại doanh nghiệp dược, doanh nghiệp sản xuất nước sạch... Đây có phải là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp Nhật đang muốn tăng tốc để vượt qua Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường Việt Nam?
Những trường hợp M&A thành công xuất hiện và được truyền thông tốt sẽ là căn cứ để doanh nghiệp khác làm theo và làm cho đầu tư theo M&A tăng lên.
Thực tế, thương vụ nhà đầu tư Nhật M&A thương hiệu NEM năm 2017 là một thương vụ khá thành công, nhưng lại chưa được nhiều doanh nghiệp Nhật biết đến. Nếu nhiều doanh nghiệp biết đến hơn thì doanh nghiệp Nhật sẽ quan tâm đến kênh đầu tư theo phương thức này.
Doanh nghiệp Nhật đang thăm dò, nghe ngóng một số động thái và yếu tố mới có thể xuất hiện khi Việt Nam gia nhập ngày càng nhiều FTA, gần đây nhất là CPTPP. Đây sẽ là những nhân tố mới thúc đẩy các doanh nghiệp lựa chọn phương thức đầu tư hiệu quả trong thời gian tới, trong đó có hoạt động M&A bên cạnh đầu tư trực tiếp.