Tại cuộc đối thoại với 30 doanh nghiệp Nhật Bản do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Shinichiro Shimizu, Giám đốc Hãng hàng không Japan Airlines cho rằng, đang xuất hiện tiềm năng hợp tác đầu tư rất lớn trong lĩnh vực vận tải hàng không và du lịch giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.
Theo ông Shimizu, với việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, nhu cầu và lưu lượng vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản dự báo sẽ tăng mạnh, tương ứng với sự tăng trưởng về kinh tế và du lịch, bởi hai nước đều là thành viên, cùng có lợi trong việc thực thi hiệp định thương mại tự do này.
“Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng hợp tác trước tiềm năng tăng trưởng nhu cầu sản xuất công nghiệp, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhờ CPTPP có hiệu lực”, ông Shimizu nói.
Theo ông Shimizu, các mặt hàng sẽ tăng mạnh nhu cầu vận chuyển giữa hai nước trong thời gian tới là nguyên phụ liệu của ngành may mặc, linh phụ kiện điện tử, thực phẩm tươi sống, nguyên liệu thực phẩm chế biến, thủy hải sản chế biến, trái cây…
Bên cạnh đó, với làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam đang trở thành điểm đến thu hút hàng đầu đối với các doanh nghiệp Nhật; trong đó, miền Nam có nhu cầu vận chuyển rất cao về nguyên phụ liệu hàng may mặc, giày, quần áo, hàng nông sản xuất khẩu, miền Bắc do có Samsung và tới đây là nhiều doanh nghiệp sẽ chọn làm cứ điểm sản xuất để xuất khẩu sang nước thứ 3 nên nhu cầu vận chuyển về linh kiện, phụ kiện điện thoại điện tử là rất lớn.
Còn trong lĩnh vực du lịch, theo nhận định của đại diện Japan Airlines, sau khi CPTPP có hiệu lực, cùng với khách du lịch gia tăng thì số lượng người đi lại thường xuyên sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ gia tăng hợp tác đầu tư thương mại giữa hai bên. Đón trước cơ hội này, ông Shimizu cho biết, Japan Airlines đã hợp tác với Vietjet Air mở các chuyến bay trực tiếp và nối chuyến từ các chuyến bay nội địa từ TP.HCM, Đà Nẵng tới các thành phố lớn của Nhật Bản.
“Vận chuyển hàng hóa thực hiện qua các chuyến bay thương mại chở khách giữa Nhật Bản và Việt Nam đã giúp doanh thu của hãng tăng nhanh trong thời gian gần đây, chỉ đứng sau thị trường Thái Lan. Vì vậy, chúng tôi đang tìm kiếm đối tác chiến lược là các doanh nghiệp vận tải, phân phối và logistics, dịch vụ du lịch Việt Nam tiềm năng để cùng hiện thực hóa các cơ hội hợp tác đầu tư”, ông Shimizu cho hay.
Cùng với vận tải và thương mại, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro) cho biết, xu hướng đầu tư mới là thành lập các cơ sở bán hàng đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản.
“Hiện nay, đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu là theo hướng lập cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, với sự thay đổi về nhu cầu đầu tư và thị trường, việc gia tăng đầu tư gián tiếp cũng như lập các cơ sở bán hàng kinh doanh dự kiến sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới”, ông Kitagawa cho biết khi cung cấp con số nghiên cứu mới nhất của Jetro là xu hướng đầu tư vào ngành nghề phi sản xuất sẽ chiếm tới 70% vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, các lĩnh vực đang thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật là giáo dục, nông nghiệp, khách sạn, ẩm thực, nhà hàng, phân phối bán lẻ...
Theo Jetro, ngành nghề phi sản xuất sẽ chiếm tới 70% vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam
Theo bà Lê Thị Việt Nga, Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Redsun ITI - chuyên về chuỗi ẩm thực và nhà hàng, đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cổ đông chiến lược Nhật Bản nhằm mở rộng quy mô, phát triển thương hiệu tại thị trường Việt Nam và ngược lại.
Hiện Redsun đang sở hữu 2 thương hiệu ẩm thực và nhà hàng theo phong cách Nhật Bản là thương hiệu chuỗi nhà hàng Nhật Bản Shushi Kei và chuỗi nhà hàng nướng than Nhật Bản Tasaki BBQ.
Chưa tiết lộ các thông tin cụ thể, song bà Nga cho biết, hiện có một số đối tác Nhật đã đặt vấn đề tham gia đầu tư vốn, bí quyết công nghệ và kinh nghiệm quản lý phát triển chuỗi thương hiệu nhà hàng Nhật này tại Việt Nam cũng như phát triển thương hiệu ẩm thực “Truly Việt” - chuyên về ẩm thực Việt Nam - của Redsun sang thị trường Nhật thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần hoặc nhượng quyền thương hiệu.
“Lĩnh vực nhà hàng ẩm thực ngày càng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản khi Việt Nam đang phát triển với tốc độ đô thị hóa rất nhanh và dân số trẻ. Mục tiêu trước mắt, chúng tôi mong muốn tìm đối tác chiến lược Nhật Bản để có thêm sức mạnh phát triển chuỗi nhà hàng tiềm năng tại thị trường Việt Nam, cũng như có thêm cơ hội để phát triển ra thị trường nước ngoài, trong đó có Nhật Bản”, bà Nga khẳng định.