Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII chiều 10/1/2019, ông Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết, năm 2018, Nhật Bản giữ vị trí số 1/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 8,6 tỷ USD, chiếm 24,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Ðầu tư từ Nhật Bản lũy kế đến cuối năm 2018 đạt hơn 57 tỷ USD, với gần 4.000 dự án, trong tổng số hơn 27.300 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ vào Việt Nam, có tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 191,4 tỷ USD.
Nguồn vốn FDI đã góp phần cải thiện diện mạo nền kinh tế cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, quy mô GDP năm 2018 đạt 240 tỷ USD, giá trị thương mại khoảng 470 tỷ USD, dân số đạt gần 100 triệu người với cơ cấu dân số vàng, tầng lớp trung lưu tăng mạnh, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, chi phí đầu tư cạnh tranh, hạ tầng giao thông được nâng cấp…
Tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2019, Ngân hàng Thế giới đánh giá, tổng điểm môi trường kinh doanh Việt Nam tăng so với năm trước, đạt 69/190 nền kinh tế. Còn Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2018 xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 55/137 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 5 bậc so với năm 2017 và tăng 20 bậc so với 5 năm trước.
Kết quả trên một phần là nhờ các nỗ lực thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, được triển khai từ năm 2003, hiện đang bước vào giai đoạn VII (tháng 8/2018 đến cuối năm 2019). Sáng kiến chung đã có tác động to lớn và nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá là kênh đối thoại chính sách hiệu quả nhất trong số các diễn đàn đối thoại, hợp tác của Chính phủ Việt Nam.
“Các bạn giúp chúng tôi cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh rất nhiều, qua Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được triển khai trong hơn 15 năm qua. Trong 6 giai đoạn trước của Sáng kiến, có 386/473 tiểu mục trong kế hoạch hành động được triển khai tốt và đúng tiến độ”, ông Hoàng nói.
Giai đoạn VII bao gồm 9 nhóm vấn đề: những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Ðất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; cải thiện cơ chế tư pháp; Luật Ðất đai; cải cách DNNN, cải cách TTCK; phát triển công nghiệp hỗ trợ; lao động - tiền lương; khung chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô; dịch vụ.
Ông Hoàng cho hay, 9 nhóm vấn đề này được chia thành 63 tiểu mục, trong đó 25 tiểu mục được thực hiện tốt, 19 tiểu mục đang triển khai theo tiến độ, 10 tiểu mục chưa được triển khai, 9 tiểu mục hiện đang thảo luận điều chỉnh.
Trong phần thảo luận đánh giá giữa kỳ kế hoạch hành động giai đoạn VII, đại diện các bộ, ngành của Việt Nam đã trả lời những kiến nghị, đề xuất từ phía Nhật Bản, trong đó sẽ nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật về đầu tư, đất đai, PPP, chứng khoán, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ…
Ông Daisuke Okabe, Công sứ Ðại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhìn nhận, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giúp hai bên cùng thắng. Trong đó, Việt Nam đã thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân, GDP trên đầu người đạt gần 2.400 USD… Sáng kiến chung sẽ đẩy mạnh hiệu quả cho Việt Nam khi tham gia Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Ông Ðỗ Nhất Hoàng nhận xét, việc tiếp tục triển khai các giai đoạn tiếp theo của Sáng kiến không phải là yêu cầu của phía Nhật Bản, mà là nhu cầu của Việt Nam, vì cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo cách này rất hiệu quả. Phía Nhật Bản đề xuất các ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam ngày càng nhiều, năm 2018, vốn nước ngoài giải ngân đạt kỷ lục, 19,1 tỷ USD…
Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Năm 2019, điều kiện tài chính toàn cầu nhìn chung là thắt chặt, nhưng môi trường lãi suất thấp tại Nhật Bản và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ được duy trì, đây là một trong những yếu tố giúp Việt Nam tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp từ hai nước này.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng trên diện rộng ở phương diện tâm lý và sự bất định trong định hướng đầu tư của các doanh nghiệp, nhưng đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam vươn lên hưởng lợi từ sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu.