Vốn Nhật gia tăng “chọn mặt gửi vàng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang xem xét rót vốn mới mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn đầu tư thận trọng tìm điểm đến khi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 xuất hiện trên toàn cầu.
Nhà đầu tư Nhật tiếp tục duy trì sự quan tâm tới thị trường Việt Nam. Nhà đầu tư Nhật tiếp tục duy trì sự quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Trong số 15 doanh nghiệp mới đây được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố được nhận hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản để mở rộng sản xuất ở Việt Nam, có một số tên tuổi lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, máy tính, thiết bị và phụ tùng trong lĩnh vực công nghệ cao đã có mặt từ sớm tại Việt Nam như Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam và Công ty TNHH NIKKISO Việt Nam.

Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam là chi nhánh của Tập đoàn Hoya Nhật Bản - nhà sản xuất hàng đầu thế giới về nền thủy tinh dùng cho đĩa nhớ từ phục vụ sản xuất ổ cứng, có mạng lưới sản xuất và phân phối trên toàn cầu.

Tập đoàn Hoya đầu tư vào Việt Nam từ năm 2004, với nhà máy sản xuất khởi đầu điều hành bởi Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam (HOGV) và Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II (HOGVII) hoạt động từ tháng 5/2012.

Vào tháng 4/2013, tập đoàn này tiếp tục đưa vào hoạt động Công ty TNHH Công nghệ Hoya Memory Disk -  chuyên nghiên cứu, sáng tạo các giải pháp ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ máy tính và công nghệ thông tin; phát triển sản phẩm mới trong máy tính, thiết bị Internet, viễn thông, thông tin và phụ tùng…

Với động thái tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lan rộng, đặc biệt với bước đi tập trung vào thiết lập và vận hành các cơ sở nghiên cứu phát triển (R&D) trong giai đoạn mới, lãnh đạo Tập đoàn Hoya đã phát đi thông điệp tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến dài hạn.

Tên tuổi lớn thứ hai trong danh sách doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất tại Việt Nam là Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn Nikkiso Nhật Bản.

Đi vào hoạt động từ năm 2008, Nikkiso Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tổng hợp composit dành cho máy bay thương mại và là nhà cung cấp của nhiều hãng máy bay nổi tiếng như Boeing, Airbus với vốn đầu tư 42,1 triệu USD.

Việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam lần này được đánh giá là bước đi chiến lược trong kế hoạch đầu tư phát triến dài hạn của Tập đoàn Nikkiso nhằm chiếm lĩnh ưu thế trong lĩnh vực sản xuất đặc thù này. 

Thông tin đáng chú ý vừa được JETRO và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam công bố, kết quả cuộc khảo sát nhanh thực hiện vào cuối tháng 6 vừa qua cho thấy, bất chấp việc 65% công ty Nhật Bản tại Việt Nam cho biết bị giảm doanh thu trong 6 tháng đầu năm do tác động bởi dịch bệnh thì vẫn có 34 công ty, tương ứng 10% số doanh nghiệp trả lời khảo sát rằng đang và sẽ tiếp tục chuyển sản xuất sang Việt Nam. 

Trong số này, có một số doanh nghiệp đang xem xét di chuyển sản xuất sang Việt Nam từ Trung Quốc và từ các cơ sở ngoài Trung Quốc.

Ông Aguin Toru, Trưởng đại diện Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - Văn phòng đại diện tại Hà Nội cho biết, số doanh nghiệp Nhật Bản đang nộp đơn xin hỗ trợ hướng dẫn và giới thiệu đầu tư tại Việt Nam đã lên tới trên 100 doanh nghiệp, vượt mức xem xét hỗ trợ hiện tại của đơn vị.

Đây là những tín hiệu thể hiện niềm tin “chọn mặt gửi vàng” của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Trước làn sóng dịch chuyển đầu tư đang diễn ra cũng như động thái gia tăng mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật nói riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sẵn sàng tiếp nhận ý kiến và có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và thu hút dòng vốn chất lượng cao này, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút vốn sẽ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong chủ trương thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư, việc yêu cầu doanh nghiệp FDI lớn có giải pháp góp phần chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu sẽ được thực hiện quyết liệt với các biện pháp cụ thể hơn so với trước đây, trong đó các ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp lớn sẽ do Thủ tướng trực tiếp phê duyệt.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục