Vốn ngoại không quay về Mỹ, Việt Nam được hưởng lợi

(ĐTCK) Theo TS. Alan T.Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, dòng vốn ngoại đầu tư ở các thị trường mới nổi không bị hút về Mỹ như nhiều dự báo trước đó và đang tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. 
Vốn ngoại không quay về Mỹ, Việt Nam được hưởng lợi

Câu nói quen thuộc của giới đầu tư “Tháng 5 bán và đi chơi”, theo ông có vận vào thị trường chứng khoán Việt Nam khi tháng 5 đang cận kề?

Thực ra, câu nói này xuất phát từ thị trường Mỹ, trên thực tế nó không đúng với các thị trường mới nổi nói chung, thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Bởi các thị trường này có những yếu tố đặc thù khác với thị trường Mỹ.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, tiếp nối diễn biến tích cực từ cuối năm ngoái, đầu năm nay, dòng vốn ngoại có thêm những chuyển động khả quan khi liên tục mua ròng. Ba tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng khoảng hơn 200 triệu USD. Cơ sở để nhà đầu tư ngoại gia tăng giải ngân vào thị trường Việt Nam là kinh tế vĩ mô ổn định và có triển vọng tích cực, lạm phát và tỷ giá bình ổn và được kiểm soát tốt.

Vốn ngoại không quay về Mỹ, Việt Nam được hưởng lợi ảnh 1

TS. Alan T.Pham 

Trên bình diện quốc tế, thị trường châu Âu, Mỹ còn tiềm ẩn những bất ổn, thậm chí phát sinh rủi ro mới, nên chưa tạo ra động thái rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như nhiều dự báo sẽ xảy ra do tác động bởi chính sách mới của Tổng thống Donald Trump.

Khối ngoại chưa rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, theo ông, do đâu?

Trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, có nhiều dự báo cho rằng, dưới tác động của các chính sách mới về cắt giảm thuế, chương trình đầu tư hệ thống hạ tầng quy mô lớn sẽ tạo ra cú rút vốn khỏi các thị trường mới nổi để trở về đầu tư tại Mỹ.

Tuy nhiên, sau 100 ngày lên nắm quyền của Tổng thống Donald Trump cho thấy dự báo trên không chuẩn xác, khi dòng vốn ở các thị trường mới nổi không những không bị rút ra để quay trở lại Mỹ đầu tư, mà ngược lại các thị trường mới nổi tiếp tục thu hút thêm lượng vốn mới. Sở dĩ như vậy là bởi giới đầu tư nhìn thấy những dấu hiệu bất định, thiếu tính khả thi của hệ thống chính sách mới dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Điều này có thể làm xuất hiện những rủi ro mới, nên họ chưa có động thái rút vốn về Mỹ. Hơn nữa, họ có nhu cầu phân tán rủi ro, cũng như đa dạng hóa cơ hội kiếm lời, nhất là ở các thị trường mới nổi, vốn còn nhiều yếu tố hấp dẫn. Chính những diễn biến này đang góp phần làm cho dòng vốn ngoại có những chuyển động tích cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trên đà khả quan ấy, khi Việt Nam đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào giao dịch vào đầu tháng 6 tới sẽ tạo thêm sức hấp dẫn trong hút dòng vốn ngoại, thưa ông?

Các tổ chức, quỹ đầu tư nước ngoài có nhu cầu lớn trong sử dụng các công cụ phái sinh để phòng vệ rủi ro. Việc thiếu vắng công cụ này trên thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, là một trong những lý do làm giảm sức hấp dẫn các dòng vốn ngoại. Bởi vậy, khi đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào vận hành, Việt Nam sẽ có thêm lợi thế trong cuộc đua thu hút dòng vốn ngoại với các thị trường lân cận.

Được biết, VinaCapital vừa có các cuộc tiếp xúc với giới đầu tư tại một số thị trường để quảng bá các cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam. Trong các cuộc tiếp xúc này, đâu là những yếu tố làm nên “câu chuyện Việt Nam”? Đâu là yếu tố nhà đầu tư ngoại đang quan tâm nhất ở thị trường Việt Nam, thưa ông?

Ngoài yếu tố ổn định mọi mặt, mà trực tiếp là kinh tế vĩ mô, nền kinh tế trẻ với tính năng động, tiềm năng tăng trưởng còn nhiều; thị trường rộng lớn và có tốc độ tăng trưởng tốt; thanh khoản trên thị trường chứng khoán được cải thiện; mối lo tỷ giá của nhà đầu tư nước ngoài được giải quyết khá tốt thông qua vận hành cơ chế tỷ giá trung tâm khá hiệu quả… đang là những yếu tố làm nên “câu chuyện Việt Nam”.

Trong các cuộc tiếp xúc gần đây, chúng tôi đem câu chuyện này kể cho các nhà đầu tư ở Đức, Italia…

Tuy nhiên, điều họ mong đợi là quá trình đa dạng hàng hóa với chất lượng cao, tăng quy mô của thị trường chứng khoán cần được thúc đẩy nhanh hơn, để mở ra các cơ hội đầu tư hiện hữu với họ.

Bởi vậy, họ trông đợi Việt Nam thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa theo hướng bán nhiều hơn các doanh nghiệp có chất lượng với lệ cổ phần bán ra bên ngoài là 50%, thậm chí 90%, chứ không phải 3 - 5% như thời gian qua.

Cũng cần thúc đẩy tiến trình thoái vốn của nhà nước ở các công ty đã cổ phần hóa, để mở ra cơ hội làm chủ tại doanh nghiệp cho giới đầu tư.

Hữu Hòe thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục