FED tăng lãi suất: dòng vốn nóng vẫn bình yên
Theo CTCK Sài Gòn (SSI), về cơ bản, FED nâng lãi suất khi triển vọng kinh tế Mỹ trở nên sáng sủa hơn, vì vậy, niềm tin vào tăng trưởng của các doanh nghiệp của Mỹ cũng tốt lên.
Lãi suất tăng đồng nghĩa chi phí vốn tăng, khiến giới đầu tư quốc tế phải cân nhắc lại việc đầu tư vào các tài sản rủi ro, trong đó có tài sản ở thị trường mới nổi (EM).
Các quỹ đầu tư cổ phiếu ở châu Á đã bị rút vốn liên tục trong 4 tuần gần nhất, với tổng giá trị 2,6 tỷ USD, cao hơn giá trị bị rút trong 4 tuần hậu bầu cử Tổng thống Mỹ là 1,8 tỷ USD. Mặt khác, EM châu Á đang được đánh giá là khu vực ít hấp dẫn hơn so với EM khu vực châu Mỹ Latin và châu Âu, do tăng trưởng chậm của Trung Quốc, rủi ro tỷ giá khi lãi suất USD tăng nên giới đầu tư cũng phải dè chừng hơn ở thời điểm này.
Tuy nhiên, với lần tăng lãi suất này, SSI cho rằng, sẽ không làm dòng vốn ngoại tại thị trường Việt Nam biến động quá mạnh. Điểm khác biệt đáng chú ý của giai đoạn hiện nay so với giai đoạn bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2016 đó là dòng tiền vẫn đổ vào các quỹ GEM (Global emerging market funds), cụ thể là có thêm 2,8 tỷ USD trong 4 tuần qua, trong khi có tới 6,7 tỷ USD bị rút ra vào thời điểm sau khi Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ.
GEM là tên gọi của các quỹ đầu tư vào danh mục thị trường mới nổi trên toàn cầu, nhờ tính đa dạng hóa nên rủi ro cũng thấp hơn so với các quỹ đầu tư khu vực hay vào từng quốc gia.
Ở một góc nhìn khác, bà Lê Nguyệt Ánh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán ACBS cho rằng, diễn biến các thị trường chứng khoán mới nổi trên thế giới gần đây khá tích cực và chưa cho thấy việc dòng vốn nóng bị rút ra, bao gồm cả thị trường Việt Nam.
Theo bà Ánh, trên thực tế, việc FED tăng lãi suất phải được nhìn nhận ở cả hai mặt: khi lãi suất tăng, giá trái phiếu sẽ giảm và dòng tiền nóng sẽ rút bớt khỏi thị trường này để tìm kênh đầu tư khác. Mặt khác, giai đoạn 2005 - 2006, khi dòng vốn ngoại ồ ạt vào Việt Nam cũng diễn ra trong bối cảnh FED tăng lãi suất đều đặn.
“Nếu tính cả các giao dịch trên thị trường chưa niêm yết, dòng vốn giải ngân từ đầu năm đến nay là khá mạnh. Riêng trên thị trường trái phiếu chính phủ, khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng mỗi tuần, trong vòng 3 tuần qua. Các tín hiệu này cho thấy dòng vốn ngoại đang vào TTCK Việt Nam khá ổn định và có thể hấp thụ tốt các đợt phát hành sắp tới”, bà Ánh nói thêm.
Vốn ngoại vẫn vào ròng, dù quỹ ETF đang bán
Trên thị trường cổ phiếu, thống kê của SSI cho biết, tuần qua (13/3-17/3) nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 500 tỷ đồng, lớn nhất 10 tuần gần đây. Trong đó, cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất là VNM của CTCP Sữa Việt Nam với 330 tỷ đồng. VNM nằm trong danh mục ETF nhưng theo ước tính của SSI, ETF sẽ mua/bán không đáng kể cổ phiếu này.
Cổ phiếu HPG của CTCP Hòa Phát được mua ròng 125 tỷ đồng, trong khi ETF bán khoảng 2 triệu cổ phiếu này, tương đương 80 tỷ đồng. Cổ phiếu có giá trị mua ròng lớn thứ ba là TLG của CTCP Tập đoàn Thiên Long, số tiền mua ròng 116 tỷ đồng và TLG hiện không nằm trong danh mục ETF. Theo đó, TLG có thanh khoản thấp và giá trị mua ròng phần lớn đến từ giao dịch thỏa thuận.
Bất ngờ nhất là cổ phiếu của CTCP Tập đoàn No va (NVL) được vào ETF, nhưng lại bị bán ròng 32 tỷ đồng trong tuần qua. Như vậy, có thể thấy giá trị mua ròng trong tuần qua phần lớn đến từ giao dịch thỏa thuận và ảnh hưởng của ETF là không đáng kể.
Lý giải nguyên nhân các quỹ ETF bán ròng, chuyên gia SSI chỉ ra rằng, tính từ đầu năm 2015 đến nay, trong khi VN-Index tăng 31,29% và VN30-Index tăng 5,64% thì FTSE giảm 8,61% và Market Vectors VNM giảm tới 19,88%. Kinh doanh không hiệu quả có thể là một nguyên nhân khiến các quỹ này bán ròng.
Thực tế trên cũng cho thấy chất lượng của các bộ chỉ số mà ETF dùng làm tham chiếu gồm FTSE Vietnam Index và Market Vectors VNM đang giảm sút. Nhiều cổ phiếu sau khi vào được chỉ số đã giảm rất mạnh, có thể kể đến như HHS giảm 61% trong 2016; HNG giảm 38%, HQC giảm 60%, TTF giảm 69%, FLC giảm 48%...
Việc FED nâng lãi suất thường có ảnh hưởng đến ETF. Tuy nhiên, theo bà Ánh, TTCK sẽ chuyển động tích cực hơn khi các quỹ ETF cân bằng trở lại, không phải chịu áp lực bán ra trong thời gian tới.