Con số nào nói lên dòng vốn ngoại đang chảy mạnh vào các thị trường mới nổi, thưa ông?
Theo cập nhật của Citibank, trong quý I/2017, lượng vốn ngoại chảy vào các thị trường mới nổi là 11 tỷ USD. Đây là con số khá bất ngờ, bởi cùng kỳ năm trước, dòng vốn này rút ra khỏi các thị trường mới nổi là 3 tỷ USD.
Sự bất ngờ đó, theo ông, do đâu?
Có 3 lý do chính. Đầu tiên là nhà đầu tư ngoại có nhu cầu đa dạng hóa danh mục và địa bàn đầu tư để phân tán rủi ro. Nó cũng cho thấy sự hấp dẫn và sức hút của các thị trường mới nổi đối với các dòng vốn ngoại.
TS. Cấn Văn Lực
Thứ hai, từ cuối năm trước, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất và cho đến mới đây khi điều này diễn ra, nhiều dự báo cho rằng, lãi suất USD tăng sẽ kích thích các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu dịch chuyển về Mỹ để hưởng lợi từ chính sách tăng lãi suất, cũng như chính sách giảm thuế, tăng đầu tư hệ thống hạ tầng của nước này. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế và chính sách kinh tế mới của Mỹ còn chưa chắc chắn, nên mặc dù Fed đã và đang tăng lãi suất, nhưng mức độ thu hút các dòng vốn từ bên ngoài về đầu tư tại Mỹ chưa đến mức tạo ra những phản ứng tiêu cực thái quá trên quy mô toàn cầu. Điều này giải thích tại sao dòng vốn ngoại chảy mạnh vào các thị trường mới nổi trong thời gian gần đây.
Thứ ba, bối cảnh châu Âu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên cũng chưa góp phần kích thích các dòng vốn ngoại rút khỏi các thị trường mới nổi như nhiều dự báo.
Việt Nam được gì khi vốn ngoại chảy mạnh vào các thị trường mới nổi, thưa ông?
Việt Nam đang nhận được những tác động tích cực từ xu hướng dòng vốn ngoại gia tăng đầu tư vào các thị trường mới nổi, mặc dù chúng ta chưa có mặt trong nhóm thị trường này. Điều này thể hiện qua con số hơn 550 triệu USD mà khối ngoại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2017.
Được biết, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu mua trái phiếu Chính phủ, trong khi tỷ giá USD/VND đang chịu áp lực giảm. Theo ông, yếu tố tỷ giá sẽ tác động ra sao đến khả năng thu hút vốn ngoại của thị trường trái phiếu nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung?
Tỷ giá đang chịu một số sức ép, nhưng trong tầm kiểm soát. Kinh tế vĩ mô ổn định cùng với việc vận hành cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm hiệu quả đang giúp tỷ giá ít biến động hơn.
Trước khi vận hành tỷ giá theo cơ chế này, VND chỉ neo vào USD, nên khi giá USD biến động mạnh thì tỷ giá USD/VND tăng giảm với biên độ lớn. Tuy nhiên, hiện nay, VND neo vào 8 đồng tiền, nên mức độ biến động thấp hơn khi USD biến động. Mặt khác, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam vẫn ổn nhờ dòng vốn FDI, kiều hối tốt, sẽ hỗ trợ cho sự ổn định của tỷ giá.
Liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có duy trì được xu hướng mua ròng của khối ngoại?
Việt Nam đang có nhiều yếu tố tích cực giúp cải thiện khả năng hút dòng vốn ngoại tham gia thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm. Thực tế, nhà đầu tư ngoại đang có những đánh giá tích cực về cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Điều này phần nào thể hiện qua dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý I/2017 tiếp tục có diễn biến tích cực, khi vốn đăng ký đạt 7,71 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 3,62 tỷ USD, lần lượt tăng 77,6% và 3,4% so với cùng kỳ năm trước.
Còn với dòng vốn gián tiếp, ngoài xu hướng mua ròng hiện tại, việc mở cửa thị trường chứng khoán phái sinh dự kiến vào cuối tháng 5 tới sẽ gia tăng tính đa dạng cho thị trường tài chính, qua đó giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro. Mặt khác, nếu Việt Nam sớm thành công trong nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, thì còn có khả năng thu hút dòng vốn ngoại mạnh hơn.
Trong quý I/2017, chưa xuất hiện các doanh nghiệp lớn chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), cũng như các thương vụ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, bắt đầu từ quý II/2017, các hoạt động này đang được thúc đẩy mạnh, IPO và thoái vốn diễn ra sôi động sẽ góp phần thu hút dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam trong thời gian tới.