Vốn ngoại đổ bộ vào trung tâm ngoại ngữ

0:00 / 0:00
0:00

Nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư thành lập mới và mở rộng mạng lưới trung tâm ngoại ngữ.

9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước.

Kẻ vào, người ra

Giữa cuộc đua giành thị phần dạy tiếng Anh rất khốc liệt, Công ty cổ phần Giáo dục Yola liên tục rót vốn mở rộng mạng lưới trung tâm ngoại ngữ ở phía Nam trong 2 tháng qua.

Ngay sau khoản đầu tư 128.855 USD vào Trung tâm ngoại ngữ Yola Hậu Giang trong tháng 9, nhà đầu tư Singapore này tiếp tục rót 129.403 USD cho Dự án Trung tâm ngoại ngữ Yola Thủ Dầu Một (Bình Dương) hồi đầu tháng 10/2020.

Trong khi đó, Viện Đánh giá và Đào tạo nhân tài Hàn Quốc đã đầu tư 200.000 USD thành lập Trung tâm Giáo dục ngoại ngữ, tin học ACE Việt Nam tại Khu đô thị Splendora Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Kế sau đó, nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc Kim Ju Hee góp 86.129 USD thành lập Dự án Công ty TNHH Hàn ngữ Saegam tại Thủ Đức (TP.HCM)…

Trong 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã cấp phép đầu tư khoảng 30 trung tâm ngoại ngữ do doanh nghiệp nước ngoài làm chủ, trong đó tiếng Anh là chủ đạo.

Ngược dòng với dòng vốn chảy vào, hệ thống dạy tiếng Anh Wall Street English Việt Nam (WSE Việt Nam) có động thái được xem là tháo chạy khỏi thị trường khi đơn vị này được Myanmar Strategic Holdings (MSH) mua lại với giá trị khoảng 6 triệu USD hồi tháng 7/2020.

Bình luận về thương vụ này, một chuyên gia M&A lĩnh vực giáo dục cho rằng, thương vụ của WSE Việt Nam về cơ bản là thương vụ thua lỗ và rút lui khỏi thị trường, bởi lẽ thị trường dạy tiếng Anh ở Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh rất khốc liệt không chỉ ở chương trình, chất lượng giảng dạy, mà còn cả giá cả và hình thức khuyến mại.

Gỡ vướng để kích dòng vốn

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 9 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo đạt 78,89 triệu USD, tăng gần 58% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn góp và mua cổ phần là dòng chảy chính của đầu tư nước ngoài vào giáo dục, đạt 51,41 triệu USD, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông William P. Badger, Jr., Giám đốc đối ngoại Trường quốc tế Concordia International School Hanoi, dòng chảy đầu tư nước ngoài nói trên cho thấy tiềm năng thực sự của thị trường giáo dục Việt Nam. Động thái này làm rõ một thực tế rằng, các gia đình ở Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục và chấp nhận đầu tư để con cái họ thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt nhất có thể.

Ngoài ra, sự hợp lực từ việc Việt Nam khống chế tốt Covid-19, cùng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại đa phương, đầu tư phát triển hạ tầng… đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và giáo dục có sức hút mạnh mẽ trong số các lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Tuy nhiên, thủ tục đầu tư vào giáo dục chưa kích thích được hết tiềm năng của thị trường giáo dục. Ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thị trường của FiinGroup cho biết, một số khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài phản ánh, thủ tục cấp giấy phép mở mới cơ sở giáo dục còn phức tạp và mất nhiều thời gian, trong khi việc tìm được quỹ đất sạch với chi phí hợp lý tại các thành phố lớn để mở trường học cũng là thách thức lớn.

Đây cũng là lý do nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng lựa chọn hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, hợp tác với các cơ sở giáo dục tại Việt Nam đang hoạt động tốt, có uy tín để mở rộng thị trường, tăng quy mô hoạt động, thay vì tự mở mới các trường nhằm giảm thiểu rủi ro.

Để thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục, chuyên gia Lê Xuân Đồng cho rằng, Chính phủ cần đơn giản hóa hơn nữa thủ tục và đẩy nhanh quá trình xem xét và cấp phép các cơ sở giáo dục mới.

“Hiện tại, một số quỹ đất sạch dành cho giáo dục ở các thành phố lớn thường do một số nhà đầu tư nắm giữ trong nhiều năm, nhưng không triển khai. Các nhà đầu tư đến sau phải đàm phán hợp tác hoặc mua lại với giá cao từ các nhà đầu tư trước”, ông Đồng nêu.

Để giải quyết vấn đề trên, Chính phủ cần có quy định cụ thể về thời hạn nắm giữ các quỹ đất sạch dành cho giáo dục. Ông Đồng khuyến nghị, nếu hết thời hạn mà dự án không được triển khai, Chính phủ có thể thu hồi để tăng nguồn cung quỹ đất sạch cho giáo dục với chi phí hợp lý.

Quang Đăng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục