Theo ông Troy Griffiths, có thể thấy mức độ quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đến lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam đã tăng đáng kể. FDI vào giáo dục trong giai đoạn từ tháng 8/2018 (khi Nghị định 86 có hiệu lực) đến tháng 10/2019 đã đạt 97 triệu USD. Các hoạt động M&A, cụ thể là mua cổ phiếu trong lĩnh vực giáo dục chiếm đa số, 37% trong tổng FDI giai đoạn này.
“Có thể thấy rõ rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến chiến lược hợp tác hơn để giảm thiểu rủi ro”, ông Troy Griffiths nhấn mạnh.
Theo đại diện Savills, Nghị định 86 có hiệu lực từ ngày 01/08/2018, với mục đích thúc đẩy thành lập các trường quốc tế tại Việt Nam bởi số lượng các trường này còn đang khá hạn chế trong thời gian gần đây.
Trước thời điểm Nghị định 86 có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài còn gặp phải nhiều rào cản trong hoạt động đầu tư lĩnh vực giáo dục, ví dụ như việc giới hạn tỷ lệ học sinh Việt Nam: 10% đối với cấp tiểu học và 20% đối với cấp trung học, khiến các trường quốc tế tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tuyển sinh học sinh nước ngoài.
Từ khi Nghị định 86 có hiệu lực, các trường quốc tế đã tận dụng cơ hội và thúc đẩy hoạt động tuyển sinh học sinh Việt Nam. Động thái này chắc chắn đã tác động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc cơ hội hấp dẫn của thị trường giáo dục quốc tế tại Việt Nam.
“Tuy vậy, xét một cách tổng thể thì giáo dục chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng FDI vào Việt Nam. Chi phí thuế cao, yêu cầu về nhân sự, số vốn yêu cầu tối thiếu đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh đó là quy trình phê duyệt phức tạp là một số rào cản đáng kể đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nghị định 86 đi vào thực tiễn đã đơn giản hóa yêu cầu đối với nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư vào giáo dục”, đại diện Savills cho biết thêm.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam.
Theo ông Troy Griffiths, về mặt luật định, Việt Nam đã thực sự tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực giáo dục, thể hiện qua 2 nghị định quan trọng: Nghị định 135 và Nghị định 86.
Cụ thể, Nghị định 135 đã đơn giản hóa yêu cầu về mặt pháp lý, vận hành và rút ngắn quy trình thủ tục hành chính, còn Nghị định 86 đã giảm yêu cầu về nhân sự và tăng hạn mức tuyển sinh học sinh Việt Nam.
Tuy vậy, vẫn tồn tại những rào cản nhất định, ví dụ như Nghị định 86 vẫn yêu cầu giấy phép kinh doanh và giấy phép thành lập cơ sở giáo dục. Thủ tục này khác so với các lĩnh vực đầu tư có điều kiện khác (chỉ yêu cầu giấy phép kinh doanh).
Thêm vào đó, Nghị định 86 cũng chưa đơn giản hóa pháp nhân. Nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục cần thành lập trường – đây là một pháp nhân. Nhưng để thành lập trường, nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp và có tư cách pháp nhân. Thủ tục này tạo ra 2 pháp nhân, từ đó có thể gây chồng chéo trong cơ cấu tổ chức.
Nhìn nhận về câu chuyện học phí ở các trường quốc tế, đại diện Savills cho rằng, số lượng trường quốc tế tại Việt Nam có học phí vừa túi tiền khá hạn chế, nhưng thường thì những trường có khuôn viên cũ và nhỏ với tiện ích ở mức cơ bản thì sẽ có mức học phí khiêm tốn hơn.
Khảo sát mới nhất của ExpatFinder cho thấy, học phí trung bình hàng năm của các trường quốc tế tại Việt Nam là 17.940 USD, xếp thứ 13 trên toàn thế giới và xếp thứ 5 tại châu Á. Các nước có học phí cao hơn có thể kể đến là Trung Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Australia.
Mực học phí thấp nhất tại các trường quốc tế ở mức 5.000 USD, vẫn chưa được coi là vừa túi tiền. Tuy vậy, vẫn sẽ luôn có một nguồn cầu đáng kể cho các trường quốc tế ở châu Á, bởi đây là bước đêm cho con cái họ để ứng tuyển cho các trường đại học danh tiếng ở phương Tây.
Bên cạnh đó, nhu cầu ứng tuyển của con các chuyên gia người nước ngoài tại Việt Nam cũng đang tăng lên. Việt Nam sẽ thu hút thêm FDI sau khi ký kết các hiệp định thương mại cũng như trở thành điểm đến thay thế lý tưởng cho các công ty đa quốc gia trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Số lượng người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam sẽ tăng, mang theo gia đình của họ, từ đó tạo ra một lượng cầu đáng kể cho giáo dục quốc tế, đặc biệt là tại các thành phố thu hút nhiều FDI.
Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 320.000 lao động nước ngoài, tăng trung bình 8%/năm từ năm 2008. Một khảo sát trên các lao động nước ngoài năm 2019 của HSBC đã cho thấy Việt Nam tăng hạng từ vị trí 19 lên vị trí 10 trên bảng xếp hạng các nước có "môi trường làm việc và sống hấp dẫn" bởi chi phí sinh hoạt thấp và thu nhập đang tăng lên.