Chủ tịch đại học FPT: Giảm trường công sẽ mở đường cho trường tư phát triển

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, hệ thống giáo dục tại Việt Nam vẫn rất nặng về công lập khi 20 năm qua (từ 1999-2019), hơn 98% số trường và học sinh/sinh viên thuộc hệ thống trường công. Và chỉ khi “Nhà nước buông bỏ 98% này thì nhà đầu tư nhỏ hơn mới có cơ hội tham gia vào thị trường”.
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT chia sẻ tại Hội nghị Giáo dục của Forbes Việt Nam được tổ chức mới đây tại TP.HCM (Ảnh: HP). TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT chia sẻ tại Hội nghị Giáo dục của Forbes Việt Nam được tổ chức mới đây tại TP.HCM (Ảnh: HP).

“Nhà nước vẫn đang bao sân lĩnh vực giáo dục”

“Từ kinh nghiệm của quốc tế, những nước kém phát triển thì hệ thống giáo dục do giới tinh hoa chi trả, còn các nước rất phát triển thì Nhà nước bao toàn bộ chi phí giáo dục. Việt Nam là trường hợp đặc biệt khi không phải nước quá phát triển, cũng không phải quốc gia quá giàu có nhưng Nhà nước vẫn đang bao sân lĩnh vực giáo dục”, TS Lê Trường Tùng chia sẻ. 

Chủ tịch Đại học FPT đưa ra số liệu, trong 20 năm qua (từ 1999-2019) cho thấy,  hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn nặng về công lập với hơn 98% số trường và học sinh/sinh viên thuộc hệ thống trường công.  

Tính đến năm 2019, có 5 trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài trên tổng hơn 200 trường đại học tại Việt Nam hiện nay. Một ưu điểm là việc triển khai liên kết đào tạo ra nước ngoài của các trường đại học Việt Nam, khi có trên 500 chương trình liên kết với 200 trường, trong đó, có những trường thuộc tốp 500 của thế giới. 

Cứ 1 trường tư ra đời thì có hơn 2 trường công lập xuất hiện và tỷ trọng sinh viên tư thục hầu như không thay đổi trong 20 năm qua. 

Bảng: Số sinh viên và số trường đại học tư/công lập tại Việt Nam

Năm

1999

2019

Tỷ lệ sinh viên đại học tư

13,3%

13,8%

Số đại học tư

17

68

Số đại học công

52

170

Ngoài ra, dù có chủ trương chuyển tất cả các trường phổ thông bán công thành trường tư từ năm 2008 nhưng kết quả thì hầu hết trường bán công chuyển thành trường công và không đạt như định hướng Chính phủ đưa ra.

Với bậc đại học, năm 2005 đã có Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP đổi mới cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục tại việt Nam với chỉ tiêu đến 2020 có 40% sinh viên ngoài công lập. Trong khi hiện nay, chỉ có 13% sinh viên ngoài công lập. 

“Tỷ trọng số trường và học sinh/sinh viên thuộc hệ thống trường công không thay đổi trong 20 năm qua sẽ là cơ hội lớn với nhà đầu tư nhưng với điều kiện, Nhà nước phải buông bỏ con số 98% kia. Bởi những đơn vị nên con số này chỉ cần mỗi nơi tuyển thêm 10-15%/năm thì đã bao hết toàn bộ thị trường. Khi đã có những đơn vị chi phối thị trường mạnh như vậy thì rất khó các đối tác khác có thể tham gia vào”, TS Lê Trường Tùng đánh giá. 

Hệ thống ngoài công lập chỉ mang tính “trang trí”

Một số chính sách được ban hành thời qua được đánh giá là “thể hiện sự lúng túng trong việc xác định tăng hay không tăng tỷ trọng ngoài công lập”. 

Như, Nghị quyết 29/NQ-TW2013 về đổi mới giáo dục ghi rất rõ là Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Dự thảo Báo cáo chính trị 2015 tại Đại hội đảng XII có nêu: Tăng tỉ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” còn Báo cáo Chính trị 2016 đã thay câu “Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” thành “phát triển hợp lý giáo dục công lập và ngoài công lập”. 

“Như thế nào là hợp lý sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau”, TS Lê Trường Tùng nói. 

Mặt khác, về chủ trương tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019-2025 được đánh giá là “giậm chân tại chỗ”. 
Cụ thể, theo chủ trương chung thì đến 2020, số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 8.75% và số học sinh/sinh viên theo học đạt 8.9%. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 13.5% và 16%.

Còn giáo dục đại học đến 2020, số cơ sở ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%. 

“Điều này có nghĩa là 80% thậm chí 98% số học sinh phổ thông vẫn nằm trong hệ thống giáo dục công lập. Chính vì vậy, sự phát triển của hệ thống ngoài công lập chỉ mang tính trang trí thêm cho hệ thống giáo dục Việt Nam mà thôi”, Chủ tịch đại học FPT chia sẻ và đưa ra kết luận, tỷ lệ trường tư thục tại Việt Nam hiện còn rất thấp cũng như trong 2 năm qua, chính sách Nhà nước tuy có nhưng không đủ mạnh và mang tính cầm chừng.

Tăng tỷ trọng trường tư bằng giảm chi tiêu trường công 5%/năm trong 5 năm

 Chủ tịch Đại học FPT cũng đưa ra hàng loạt quan điểm kiến nghị như:

Thứ nhất, tăng tỷ lệ học đại học trong độ tuổi đi học (18-23) thay cho tỷ lệ sinh viên/1 vạn dân bằng mức trung bình khu vực. Khi đó, vừa phải đảm bảo về số lượng (đảm bảo quyền được học của người học) và chất lượng (yếu tố then chốt hỗ trợ nền kinh tế phát triển).

“Nếu có chính sách giảm trường công, thực sự sẽ mở đường để trường tư phát triển mà Nhà nước sẽ không cần phải làm gì nhiều”, Chủ tịch đại học FPT nói.   

Hiện, tỷ lệ nhập học đại học của Việt Nam là 28%, trong khi mức trung bình thế giới là 38%. Riêng tại Singapore là 84%, Thái Lan là 49%, Malaysia là 42%, Philippines là 35%, Brunei là 33%.  

Thứ hai, một trong những yếu tố quan trọng để xác định chất lượng là tổng chi phí cho một người học/cấp học/năm trên cơ sở đó định ra con số cần tăng giảm bao nhiêu để đảm bảo chất lượng.

Đại học FPT ước tính, tại các nước phát triển, trung bình chi phí đào tạo 1 năm cho 1 sinh viên đại học khoảng 20.000 USD, ở Việt Nam hiện bằng khoảng 10% con số này. Việt Nam đang cung cấp dịch vụ giáo dục với chi phí gần như thấp nhất thế giới (chi phí không phải học phí). 

Thứ ba là vấn đề liên quan đến hiện tượng chảy máu chất xám từ các địa phương đến các thành phố lớn do đó cần phân vùng đại học. 

Ngoài mô hình từ trường công, trường tư như hiện nay có thể bổ sung thêm PPP (Public private partnership) công đầu tư tư vận hành hoặc ngược lại, các mô hình mới như MOOC based (tạm dịch: các khoá học trực tuyến mở - PV) hoặc mạnh dạn tách bạch chuyện đào tạo và thi cử, chấp nhận học sinh phổ thông có thể thi dưới điều kiện thí sinh tự do. 

Thứ tư, tăng tỷ lệ trường tư bằng giảm tỷ lệ trường công, tăng tỷ trọng trường tư bằng giảm chi tiêu trường công 5%/năm trong 5 năm. 
Thứ năm, trường công tư khi chỉ nên khác nhau về chủ đầu tư. 

Cụ thể, xem xét lại tất cả các quy định trong Luật giáo dục và chỉ nên có một quy định, trường công là do Nhà nước đầu tư, còn trường tư do thành phần ngoài Nhà nước đầu tư còn tất cả hoạt động khác đều cùng quy định cho 2 nhóm. Bình đẳng chung định mức chất lượng không chỉ áp dụng cho mới mà cả có lộ trình cho trường cũ.

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục