Vốn đầu tư liên tiếp tục đổ vào giáo dục
Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư tư nhân liên tiếp đổ vốn vào giáo dục, đặc biệt là phân khúc chất lượng cao. Giữa tháng 3/2019, hệ thống trường song ngữ quốc tế EMASI liên cấp từ mầm non đến trung học chính thức ra mắt tại TP.HCM với 2 cơ sở đầu tiên và dự kiến mở thêm 3 cơ sở mới tại TP.HCM trong niên học tiếp theo.
Đầu tháng 8/2019, theo công bố của Kipinä, thương hiệu mầm non quốc tế có Chương trình giảng dạy Phần Lan nâng cao cũng tuyên bố hợp tác với ILA Việt Nam để khai trương 10 trường mầm non Kipinä tại Việt Nam trong 3 năm tới. Ông Kieran Galvin, Giám đốc điều hành Kipinä cho biết: “Kipinä nhận thấy những khó khăn khi mở trường học ở thị trường mới. Đó là lý do chúng tôi hợp tác với ILA, đơn vị có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.
Trước đó, thương vụ M&A khá đình đám trong lĩnh vực giáo dục là Quỹ đầu tư Navis Capital Partners (Malaysia) mua lại Công ty Giáo dục Thành Thành Công (TTCE) vào cuối tháng 5/2019. TTCE đang sở hữu chuỗi 17 trường học liên cấp từ mầm non đến đại học và trung tâm đào tạo tiếng Anh tại 6 tỉnh, thành phố. Sau khi mua lại TTCE, quỹ này dự kiến mở thêm 4 trường mới với mục tiêu đạt khoảng 30.000 học sinh trên toàn hệ thống.
Tiềm năng từ thị trường giáo dục Việt Nam không hề nhỏ và đó là lý do để Công ty Quản lý quỹ đầu tư giáo dục Kaizen Private Equity có trụ sở ở Singapore, Ấn Độ hoàn tất thương vụ đầu tiên tại Việt Nam cuối tháng 7/2019 với khoản đầu tư 10 triệu USD vào Yola.
Nhà đầu tư ngoại tìm kiếm cơ hội
Dòng vốn liên tiếp đổ vào giáo dục cho thấy, thị trường giáo dục Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm. Đầu tháng 10 vừa qua, một biên bản ghi nhớ hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len đã chính thức được ký kết, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới.
Trao đổi với các nhà đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác giáo dục như phương thức đầu tư dịch vụ. “Chúng tôi muốn thúc đẩy hệ thống dịch vụ chất lượng cao, tạo điều kiện cho học sinh được đào tạo theo hướng công dân toàn cầu. Hiện nhiều nhà đầu tư trong nước có tiềm lực tài chính muốn hợp tác với hiệp hội các trường giáo dục của Anh để chia sẻ bớt gánh nặng với hệ thống trường công. Ở Việt Nam, nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư tài chính lớn cho con du học tại chỗ”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Kỳ vọng mở rộng hệ thống trường tư với sự đầu tư cơ sở vật chất của nhà đầu tư trong nước, kết hợp các chương trình đạt chuẩn của đối tác ngoại, mở cơ hội cho học sinh Việt Nam du học tại chỗ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là không có cơ sở.
Bằng chứng là, ngay khi vừa tuyên bố gia nhập thị trường hàng không, Vingroup đã lập tức hợp tác với Học viện Hàng không CAE Oxford (Canada) thành lập Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không VinAviation School để đào tạo phi công và thợ máy phục vụ cho Hãng Vinpearl Air.
Tập đoàn FLC mới đây cũng phối hợp với Đại học RMIT đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao trong tất cả lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FLC, trong đó, tập trung đào tạo phi công, kỹ sư, nhân sự phục vụ dịch vụ hàng không, đào tạo an toàn bay, an ninh hàng không nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho Hãng hàng không Bamboo Airways do FLC sở hữu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Martin Clark, đại diện Công ty TNHH Giáo dục EduReach cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà phát triển bất động sản hoặc nhà đầu tư ở Việt Nam quan tâm đến việc mở trường quốc tế mới. Với kinh nghiệm hợp tác cùng nhiều trường danh tiếng ở Anh, chúng tôi có thể cung cấp cho họ giải pháp khai thác và điều hành trường học theo kiểu chìa khóa trao tay”.
Bên cạnh các nhà đầu tư đến từ Anh quốc, nhiều nhà đầu tư Singapore cũng tỏ ra rất quan tâm đến thị trường giáo dục Việt Nam. Ông Mathias Koh, một nhà đầu tư Singapore đang có ý định đầu tư hệ thống mẫu giáo tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam đang là thị trường rất tiềm năng cho đầu tư giáo dục từ hệ mầm non vì có dân số đông, chính sách cho giáo dục đã mở cửa”, ông Koh nói.
Trong khi đó, bà Sun Ho, sáng lập hệ thống LittleLives đang kỳ vọng có thể hợp tác với nhiều trường mẫu giáo của Việt Nam. LittleLives là hệ thống quản lý trường mầm non hàng đầu Singapore. “Công nghệ của hệ thống LittleLives sẽ thay đổi nền giáo dục mầm non từ những công việc đơn giản hàng ngày như điểm danh, tương tác giữa nhà trường và phụ huynh”, bà Ho cho biết.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại đến thị trường giáo dục Việt Nam cùng sự gia tăng nguồn vốn vào lĩnh vực này cho thấy, thị trường giáo dục sẽ rất sôi động trong những năm tới. Đi cùng với đó, kỳ vọng về một nền giáo dục chất lượng đảm bảo mục tiêu du học tại chỗ, chất lượng quốc tế, nâng tầm cạnh tranh so với các nước trong khu vực sẽ không còn quá xa vời.
Hiện nay, nhu cầu thu hút đầu tư tư nhân vào giáo dục tại những địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM đang rất cao. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP.HCM tổ chức tháng 5/2019, trong số 210 dự án được mời gọi đầu tư, có 14 dự án kêu gọi đầu tư vào giáo dục với tổng nhu cầu vốn 3.046 tỷ đồng. Trong khi đó, TP. Hà Nội cũng kêu gọi đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho các dự án giáo dục trong giai đoạn 2017 - 2020.