Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội.
3 nhóm vấn đề các đại biểu sẽ chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gồm: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Báo cáo một số vấn đề về giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã thẳng thắn thừa nhận nhiều vấn đề còn tồn tại của ngành giáo dục.
Nhóm vấn đề thứ nhất: Chất lượng giáo dục đại học, phổ thông
Đối với Đối với giáo dục đại học, Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn một lực lượng lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; chưa thu hút được sinh viên giỏi vào ngành sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục.
Một số trường đại học sau thời gian hoạt động vẫn chưa đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng theo đề án thành lập trường dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, khó tuyển sinh, không đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng còn hạn chế (số lượng công trình, bài báo, các phát minh sáng chế, các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao chưa tương xứng với tiềm năng).
“Tư lệnh” ngành giáo dục thừa nhận thực trạng lao động có trình độ đại học không có việc làm. Cụ thể, số lao động trong độ tuổi lao động (15-60) có trình độ đại học không có việc làm là khoảng 200 ngàn người.
Đối với giáo dục phổ thông,việc kiểm tra, đánh giá học sinh hiện nay tuy đã có nhiều tiến bộ, song vẫn nặng về điểm số. Nhiều nơi việc kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu của chương trình, gây quá tải, chưa chú trọng kỹ năng thực hành, vận dụng vào đời sống, làm cho học sinh tuy có kiến thức nhưng năng lực thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn còn hạn chế;
Đầu tư cho giáo dục phổ thông còn thấp và chưa thực sự hiệu quả. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học được Bộ triển khai là hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển giáo dục đại học. Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học;
Trình Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập… nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị, quản lý đào tạo theo hướng tiệm cận chuẩn quốc tế…
Nhóm vấn đề thứ 2: Công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian qua, tại một vài cơ sở giáo dục mầm non vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ứng xử đối với trẻ chưa chuẩn mực, cá biệt có một số vụ việc giáo viên mầm non có hành vi bạo hành trẻ.
Tình trạng này xảy ra chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (nhóm lớp độc lập tư thục), làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ và gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội.
Đến nay, vẫn còn 8.653 phòng học tạm, nhiều nơi thiếu phòng học để huy động trẻ đến trường; công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn ở nhiều địa phương còn rất thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng. Thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chưa đáp ứng theo quy định tối thiểu, đặc biệt ở các điểm lẻ.
Một trong những giải pháp của Bộ là tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù phát triển trường, lớp ở những khu vực có nhiều khu công nghiệp đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân; đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên mầm non.
Nhóm vấn đề thứ 3: Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội.Những hạn chế, tác động xấu từ môi trường trong thời kỳ “mở cửa, hội nhập”, mặt trái của kinh tế thị trường làm thay đổi những giá trị truyền thống, đạo đức xã hội, tác động đến môi trường văn hóa nhà trường.
Đơn cử, năm học 2017-2018, tổng số vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức và vụ việc giáo viên bị xúc phạm là 29, trong đó có 23 vụ việc do giáo viên vi phạm và 06 vụ việc giáo viên bị xúc phạm (13 vụ việc xảy ra ở cấp mầm non;
09 vụ việc xảy ra ở cấp tiểu học; 03 vụ việc xảy ra ở cấp trung học cơ sở; 03 vụ việc xảy ra ở cấp trung học phổ thông; 01 vụ việc xảy ra ở trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học. Một số địa bàn đã xảy ra các vụ việc nghiêm trọng như Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Long An).
Cô giáo dạy Toán ở Trường trung học phổ thông Long Thới, Thành phố Hồ Chí Minh 3 tháng lên lớp không giảng bài; cô giáo Trường tiểu học An Đông, An Dương, Hải Phòng phạt học sinh bằng việc bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo mầm non ở một số nhóm trẻ độc lập tư thục bạo hành trẻ…
Để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống của học sinh, giáo viên trong nhà trường hiện nay, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020.
Hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức nhà giáo, đưa quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc; phát huy dân chủ trường học.
Ban hành Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 15/5/2018 về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Theo đó, để nâng cao đạo đức nhà giáo, chấn chỉnh tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo.