Tại các doanh nghiệp có thị phần còn nhỏ, chủ yếu tập trung tái cơ cấu hệ thống, giảm tỷ lệ bồi thường và tìm cách từng bước mở rộng thị trường. Trong khi đó, với những doanh nghiệp đã có thị phần cao, việc đầu tư nâng cấp công nghệ được chú trọng thực hiện nhằm gia tăng các tiện ích phục vụ khách hàng, qua đó củng cố vị thế trên thị trường.
Trả lời thắc mắc của các cổ đông về chỉ tiêu kinh doanh năm 2017 tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, đại diện BIC nhấn mạnh, năm 2017, BIC đặt chỉ tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, thay vì doanh thu. Theo đó, Ban điều hành BIC cũng tập trung chỉ đạo các công ty thành viên tập trung vào mục tiêu này để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Hiện BIC đã thành lập Ủy ban Đầu tư, trong đó có sự tham gia của 2 thành viên thuộc cổ đông ngoại Fairfax, với mục tiêu đặt ra cho hoạt động đầu tư là hiệu quả và dài hạn. Năm 2016, hoạt động đầu tư tiền gửi chiếm 80% danh mục đầu tư của BIC. Năm 2017, BIC tiếp tục ưu tiên gửi tiền, bên cạnh việc đưa thêm một số danh mục đầu tư về bất động sản, trong đó có đầu tư trụ sở.
Ngoài ra, BIC cũng đang tiến hành 19 nhóm giải pháp về công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào các giải pháp liên quan đến hoạt động bán lẻ, nâng cấp hệ thống với các chức năng kết xuất báo cáo, ấn chỉ bán lẻ…
Về phía Fairfax, cổ đông này đã giới thiệu hệ thống phần mềm quản lý bảo hiểm hiện đại và đồng bộ, từng được áp dụng tại một số công ty góp vốn khác của Fairfax. Mặc dù vậy, theo đại diện của BIC, để biết chính xác sự thích ứng của hệ thống này đối với BIC, cũng như thị trường Việt Nam thì cần khảo sát chi tiết hơn.
“Chi phí để đầu tư hệ thống công nghệ thông tin mới không hể nhỏ, tối thiểu cũng từ 3 triệu USD trở lên và cần tối thiểu 2 năm triển khai”, đại diện BIC cho biết.
Đối với PJICO, thỏa thuận hợp tác chiến lược 3 bên giữa PJICO, Petrolimex và Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI), cùng với hợp đồng mua bán cổ phần giữa PJICO và SFMI ký kết mới đây cũng hứa hẹn sẽ tạo động lực lớn thúc đẩy đà tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh hãng bảo hiểm này trong giai đoạn 5 năm tới.
Tại PTI, nếu như VNPost đem lại mạng lưới bán hàng và phục vụ khách hàng rộng khắp toàn quốc, thì Dongbu được kỳ vọng giúp PTI cải thiện về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm quản trị điều hành. Nhiều ý kiến cho tằng, sự bổ sung của 2 yếu tố rất quan trọng là mạng lưới rộng và công nghệ hiện đại sẽ là “đòn bẩy” giúp PTI phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Được biết, ngay sau khi hợp tác với Dongbu, PTI đã tận dụng các lợi thế của một trong những doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc này trong hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành của mình. Cụ thể, trước mắt, PTI sẽ tập trung vào 2 lĩnh vực mà cả PTI và Dongbu đang có thế mạnh là bán hàng trực tuyến và bảo hiểm xe cơ giới.
Theo đó, Dongbu sẽ cử các chuyên gia giỏi nhất sang đào tạo và xây dựng hệ thống điều hành tại PTI, đồng thời, PTI cũng sẽ cử các cán bộ trực tiếp sang Dongbu để học hỏi mô hình và kỹ năng quản lý. Trong năm tới, PTI và Dongbu sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án tại các lĩnh vực khác như quản trị nhân sự, chất lượng dịch vụ, phát triển thương hiệu…
Dongbu hiện là doanh nghiệp bảo hiểm đứng thứ 2 tại Hàn Quốc, với doanh thu bảo hiểm gốc năm 2016 đạt 10,4 tỷ USD, lợi nhuận thuần 480 triệu USD. Mức doanh thu này cao gấp 6,5 lần tổng doanh thu của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam năm 2016.
“Chúng tôi tự tin với đối tác như Dongbu, nên hiện chưa có chủ trương hợp tác với các đối tác khác”, đại diện PTI trả lời khi được hỏi về việc mở rộng hợp tác.
Về phía Dongbu, Tổng giám đốc Kim Jeongnam cho hay, khi quyết định đầu tư vào PTI, chúng tôi xác định PTI và Dongbu sẽ là một gia đình, cùng nhau nỗ lực để đưa PTI không ngừng phát triển.
“Sau 2 năm đầu tư vào PTI, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng tôi cũng đánh giá cao sự sáng tạo và chuyên nghiệp của Ban lãnh đạo PTI, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu nhiều khó khăn như hiện nay. Chắc chắn trong thời gian tới, Dongbu sẽ dành nhiều nguồn lực cả về tài chính, nhân sự, công nghệ để hỗ trợ PTI”, ông Kim Jeongnam khẳng định.